Năm 2018, lãi suất cho vay vẫn khó giảm

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 04:55, 11/01/2018

Mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi song trong năm 2018, lãi suất cho vay vẫn khó giảm.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãi suất trên thị trường ổn định kể từ năm 2015. Cụ thể, lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng lớn. Một số tổ chức tín dụng nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.

Thứ hai, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các tổ chức tín dụng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017) nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Điều này khiến các tổ chức tín dụng không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.

Trong năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo lãi suất huy động và cho vay VND khá ổn định so với năm 2017, với biên độ dao động khoảng 0,2 điểm %.

“Lãi suất có thể có biến động nhẹ và cục bộ do: yếu tố mùa vụ vào đầu năm do Tết Nguyên đán và vào cuối năm do nhu cầu tín dụng thường tăng cao. Một số tổ chức tín dụng buộc phải tăng huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định. Một số tổ chức tín dụng còn tăng vốn để đáp ứng yêu cầu theo Basel 2”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những yếu tố còn hỗ trợ thuận lợi cho việc giảm mặt bằng lãi suất. Cụ thể, các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, áp lực từ phía tỷ giá không lớn. Đồng thời, nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn do cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 42. Ngoài ra, dự báo kết quả kinh doanh hệ thống tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định, các tổ chức tín dụng yếu kém có chuyển biến tích cực.

Phan Diệu

Phan Diệu