Có thể xem sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà là trở ngại khách quan

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:35, 11/01/2018

Mặc dù được TAND TP.HCM triệu tập đến tòa với tư cách vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vừa là người làm chứng, nhưng kể từ thời điểm mở phiên tòa (8.1) xét xử đại án Trầm Bê, Phạm Công Danh đến nay, ông Trần Bắc Hà vẫn vắng mặt.

Theo thông tin mới nhất trên báo chí, thông qua luật sư, ông Hà vừa có đơn gửi đến Hội đồng xét xử (HĐXX) xin được vắng mặt tại phiên tòa xét xử vụ đại án nói trên, vì lý do đang điều trị bệnh ung thư gan tại một bệnh viện ở Singapore.

Vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng, ông Hà có thể ủy quyền cho luật sư (hay người khác) tham gia tố tụng vụ án được không? Nếu sự vắng mặt của ông Hà gây trở ngại cho việc xét xử vụ án thì HĐXX sẽ xử lý như thế nào?

Trước hết có thể thấy, trong vụ án này, tòa án đã xác định ông Trần Bắc Hà tham gia tố tụng với hai tư cách vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vừa là người làm chứng trong vụ án.

Ở tư cách thứ nhất, ông Hà có thể ủy quyền cho luật sư (hay người khác) đại diện cho mình tham gia tố tụng. Trường hợp ông Hà vắng mặt trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, và cũng không có người đại diện theo ủy quyền, thì Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng không thể áp dụng biện pháp dẫn giải đối với ông. Vì luật không có quy định áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người được tòa án xác định là có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trái lại, với tư cách là người làm chứng, ông Trần Bắc Hà không thể ủy quyền cho luật sư hay bất kỳ một người nào khác tham gia phiên tòa, mà phải tự mình trực tiếp tham gia tố tụng vụ án. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 điều 66 BLTTHS 2015 thì: Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Điều đó cũng có nghĩa, người làm chứng phải là người trực tiếp biết được những tình tiết liên quan đến vụ án, và chính họ phải trực tiếp tham gia phiên tòa để trình bày các vấn đề này. Vì vậy, họ không thể ủy quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự nói chung.

Ngoài ra, khác với một số tư cách tố tụng khác, người làm chứng ngoài việc phải trực tiếp tham gia phiên tòa, họ còn có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải theo quy định tại khoản 2 điều 293 BLTTHS nếu việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử vụ án.

Mặc dù cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể, thế nào là gây trở ngại cho việc xét xử vụ án. Nhưng nhìn chung, việc gây trở ngại cho quá trình xét xử vụ án được hiểu là, sự vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa đã làm cho HĐXX, Đại diện VKS cũng như những người tham gia tố tụng khác, không thể tiến hành việc xét hỏi, đối chất cũng như thực hiện một số thủ tục tố tụng khác đối với họ về những vấn đề có liên quan đến vụ án. Và do vậy, cũng không thể xác định được sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Như vậy, trong vụ án này, ông Trần Bắc Hà chỉ có thể ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng với tư cách ngườì có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Còn với tư cách người làm chứng, bản thân ông phải trực tiếp tham gia phiên tòa.

Tuy nhiên, như trên đã nói, hiện tại ông Hà đang điều trị bệnh ở nước ngoài nên sự vắng mặt của ông tại phiên tòa, có thể xem là do “trở ngại khách quan” theo quy định tại khoản 2 điều 293 BLTTHS.

Trong trường hợp này, nếu lời khai của ông Hà từ giai đoạn điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa cũng như phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, và tòa án xét thấy không cần phải làm rõ vấn đề nào thêm thì HĐXX sẽ tiếp tục xét xử vụ án.

Trái lại, nếu HĐXX nhận thấyvì sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà nên không thể làm rõ được nhiều vấn đề quan trọng của vụ án và do vậy, cũng không thể xác định được sự thật khách quan và toàn diện của vụ án, thì tòa án có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP (Đoàn luật sư TP.HCM)

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP