Bình Thuận gửi công văn hỏa tốc triển khai việc giảm phí BOT
Sự kiện - Ngày đăng : 07:50, 16/01/2018
Báo Bình Thuận cho biết trên cơ sở đề nghị của Công ty TNHH B.O.T quốc lộ 1A Bình Thuận và đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận về việc chấp thuận phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho phương tiện trên địa bàn thị trấn Lương Sơn, xã Sông Lũy và xã Bình Tân tại Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Km 1661+600; ngày 9.1.2018 Tổng cục Đường Bộ Việt Nam đã có Văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải phương án giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho phương tiện của các hộ dân lân cận Trạm thu phí.
Theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 10.1.2018 Bộ Giao thông vận tải có văn bản số 320/BGTVT-ĐTCT về việc giảm giá dịch vụ tại 1661+600, QL1, tỉnh Bình Thuận. Theo đó, thống nhất chủ trương giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho một số phương tiện khu vực lân cận Trạm thu phí theo đề nghị của Tổng cục ĐBVN trên nguyên tắc phù hợp với chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản 11519 ngày 1.10.2017.
Đối với các đối tượng được giảm giá là phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú (chủ sở hữu là cá nhân)và có trụ sở chính (chủ sở hữu là tổ chức, doanh nghiệp) tại khu vực thuộc phạm vi được giảm giá, phải đồng thời với địa chỉ ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp. Mức giá sau khi giảm không vượt tỷ lệ theo chỉ đạo tại văn bản 11519 của Bộ Giao thông vận tải. Việc điều chỉnh giảm giá vé chung như dự kiến của UBND tỉnh Bình Thuận có ảnh hưởng nhiều đến phương án tài chính và tính khả thi của dự án nên chưa áp dụng.
Căn cứ ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn hỏa tốc giao cho Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Bắc Bình phối hợp với Công ty TNHH B.O.T Quốc lộ 1 Bình Thuận (Nhà đầu tư dự án BOT) và các cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương tố chức triển khai việc giảm giá dịch vụ tại Trạm thu phí Km 1661+600.
UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện Bắc Bình thực hiện việc xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và điều kiện được giảm giá đối với danh sách phương tiện thuộc phạm vi được giám giá. Trên cơ sở đề nghị của huyện Bắc Bình, Sở Giao thông vận tải kiểm tra, có ý kiến bằng văn bản đối với phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải công cộng (xe buýt), các phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải và phương tiện không đăng ký kinh doanh vận tải báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, gửi Nhà đầu tư BOT xác nhận danh sách phương tiện thuộc đối tượng giảm giá.
Định kỳ 1 quý/ lần (trước ngày 25 của tháng cuối quý), giao UBND huyện Bắc Bình phối hợp với Sở Giao thông vận tải cập nhật tình hình biến động về các loại phương tiện thuộc đối tượng giảm giá nêu trên để báo cáo Tổng cục ĐBVN kiểm tra, gửi Nhà đầu tư dự án BOT cập nhật thực hiện.
Được biết, theo đề nghị của Tổng cục ĐBVN thì các loại xe buýt giảm 100% mức thu. Đối với các xe không kinh doanh mức giảm 50%, các loại xe kinh doanh mức giảm 40% so với mức giá hiện hành.
T.Nam/Báo Bình Thuận
Sau Trạm thu phí Tam Kỳ, nhà đầu tư BOT quốc lộ (QL) 1 đang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép ngày 1.2 bắt đầu áp dụng miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm BOT ở xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn.
QL1 qua Quảng Nam có 2 dự án BOT (kinh doanh - khai thác - chuyển giao), nhưng trong quá trình xây dựng, khai thác tồn tại nhiều bất cập, nhất là quy định khoảng cách đặt 2 trạm này. Đến đầu tháng 1 năm nay, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP áp dụng miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm BOT Tam Kỳ cho gần 4.469 xe ô tô (miễn 100% gồm có 902 xe, giảm 50% là 3.567 xe). Riêng trạm BOT Điện Bàn, trao đổi với PV Báo Quảng Nam cuối tuần qua, ông Hồ Anh Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ceco 545 BOT (trực thuộc Công ty CP Xây dựng công trình 545) khẳng định, ngành chức năng của Quảng Nam đã xác nhận cụ thể phương tiện thuộc đối tượng được miễn, giảm giá và nhà đầu tư thành phần 1 này đã trình lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nhà đầu tư cũng kiến nghị bắt đầu áp dụng kể từ ngày 1.2 tới đây.
Theo ông Hồ Anh Sơn, về mặt chủ trương, Bộ GTVT đã chấp thuận và chỉ cần chờ quyết định cuối cùng. Nếu thông qua, gần 1.800 xe ô tô sẽ được miễn, giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ khi qua trạm BOT Điện Bàn. Bao gồm, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và ô tô dưới 12 chỗ ngồi (thuộc hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh vận tải) có hộ khẩu thường trú tại 3 xã Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn), phương tiện là xe ô tô của các cơ quan, ban ngành, hội đoàn thể cấp tỉnh và thị xã Điện Bàn được miễn 100% giá vé. Các loại xe buýt vận chuyển khách công cộng (40 phương tiện) cũng sẽ được miễn phí 100%, nhưng phải có xác nhận vận chuyển hành khách bằng xe buýt từ Sở GTVT. Đồng thời, gần 1.000 xe tải dưới 2 tấn và xe dưới 12 chỗ ngồi (không kinh doanh vận tải) có hộ khẩu thường trú ở các xã, phường trên địa bàn thị xã cũng được giảm 50% giá vé qua trạm.
Để thuận tiện cho quá trình kiểm tra, kiểm soát, những xe được miễn phí qua trạm phải dán biểu tượng nhận diện và được phân chạy trên làn thu vé tự động. Nhà đầu tư sẽ phát và dán miễn phí tem thu phí tự động; in và bán vé giảm 50% cho các xe thuộc diện liên quan. Tuy nhiên, ông Hồ Anh Sơn cho biết, công ty đang tính toán đối với trường hợp phương tiện xe buýt hay xe thuộc diện miễn, giảm đã mua vé cả quý (3 tháng). Bởi nếu áp dụng đầu tháng 2, kinh phí họ đã dùng mua vé cho tháng 2, tháng 3 sẽ phải giải quyết sao cho thấu đáo, tránh gây phản ứng không cần thiết.
Công Tú/báo Quảng Nam