Mỹ vẫn phải nhập động cơ RD-180 của Nga cho đến năm 2025
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:43, 16/01/2018
7 năm trước đây,Mỹ đã quyết định khắc phục tình hình bằng các nguồn lực của giới kinh doanh tư nhân. Công ty Blue Origin của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã bắt tay vào việc phát triển động cơ tên lửa BE-4, và công ty này vừa tuyên bố đã thành công trong việc thử nghiệm một loại động cơ tên lửa mới.
Công ty báo cáo rằng cuộc kiểm tra thực tế tiếp theo đã thành công, hơn nữa, có thể tăng hiệu quả hoạt động của động cơ tên lửa. Động cơ trên đã từng được giới thiệu vào tháng 3 năm 2017, sau đó động cơ đã vượt qua đợt thử nghiệm đầu tiên. Theo kế hoạch, động cơ được lắp đặt cho tên lửa Vulcan là loại tên lửa sẽ thay thế cho Atlas-5.
Mục đích chính của động cơ là thay thế cho động cơ RD-180 vẫn lệ thuộc vào việc nhập khẩu từ Nga. Công ty Blue Origin thông báo rằng giá của động cơ do công ty sản xuất sẽ thấp hơn 40% so với mức giá nhập khẩu từ Nga. BE-4 sẽ trở thành một trong những động cơ tên lửa mạnh nhất của Mỹ. Blue Origin đã tìm kiếm phát triển một động cơ đơn giản về mặt kỹ thuật, việc sản xuất không đòi hỏi phải sử dụng các vật liệu siêu đắt đỏ. Công ty Mỹ cho rằng không cần phải tạo ra một kiệt tác của ý tưởng kỹ thuật mà chỉ cần có độ tin cậy cao. Vì vậy, khi tất cả các tên lửa đẩy đều được sử dụng nhiều lần thì động cơ phải có thểphục vụ tới 100 lần phóng.
BE-4 được thiết kế nhằm mục đích tái sử dụng nhiều lần. Động cơ mới cũng sử dụng nhiên liệu thay thế - khí metan lỏng. Tuy hiệu suất giảm, nhưng loại nhiên liệu này được bù đắp bằng những lợi thế như không cần bể chứa khổng lồ như trong trường hợp của hydro. Hơn nữa, vì có khả năng khai thác metan lỏng trên sao Hỏa nên nó được coi là loại nhiên liệu tên lửa của tương lai. Ngay Elon Musk khi thiết kế động cơ Raptor cho các chuyến bay tới sao Hỏa cũng chọn metan lỏng.
Sự thành công của ông trùm Jeff Bezos không có nghĩa là một sự thay thế sớm cho RD-180 của Nga. Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết sẽ sử dụng động cơ tên lửa Nga trên tên lửa đẩy Atlas-5 đến năm 2025 do sự phức tạp trong việc sản xuất động cơ mới và thiếu vốn.
Vũ Trung Hương