Người dân ngất xỉu vì mùi hôi thối, đêm ngủ phải đeo khẩu trang
Sự kiện - Ngày đăng : 07:05, 18/01/2018
Ngất xỉu vì mùi hôi thối
“Cứ khi nào trạm bơm nước đổ ải là bọt trắng cao hàng mét, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, đêm ngủ cũng phải đeo khẩu trang” - ông Lê Văn Hùng ở xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam than thở.
Ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam xác nhận, tình trạng ô nhiễm nơi đây xảy ra đã lâu. Thậm chí, các công nhân trạm bơm nhiều lần bị choáng, ngất xỉu vì mùi hôi thối của nước sông. “Hiện, với 32.000ha lúa của người dân, nếu không bơm nước phục vụ sản xuất sẽ rất phức tạp. Cơ quan chức năng cần điều chỉnh lịch lấy nước cho Hà Nam để phục vụ người dân gieo cấy” - ông Hòa nói.
Ông Phạm Hồng Thanh - Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết: “Thủy lợi của huyện Duy Tiên trực thuộc hệ thống thủy nông sông Nhuệ được quy hoạch từ năm 1970. Trạm bơm Chợ Lương (Duy Tiên) trước đây được quy hoạch để bơm hỗ trợ tưới cho 1.000ha ở khu vực đất cao, diện tích còn lại phụ thuộc vào nguồn nước tự chảy của sông Nhuệ. Trước đây, mực nước tại trạm bơm là 3 - 3,2m. Bây giờ, nước sông chỉ còn 0,5 - 0,7m và rất ô nhiễm. Trạm bơm Chợ Lương đã nâng công suất lên gấp đôi cung cấp nước tưới cho 2.000ha. Nếu không lấy nước sớm thì không kịp thời vụ, dù chưa tới lịch xả nước của ngành điện”.
Về hiện tượng “sông tuyết”, ông Thanh khẳng định: “Không có việc xả thải của các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn huyện Duy Tiên. Hiện tượng ô nhiễm nước sông hay còn được ví là “sông tuyết” ở Duy Tiên diễn ra nhiều năm nay, người dân đã phản ánh với đại biểu Quốc hội. Chính phủ cũng đã thành lập Ủy ban kiểm tra sông Nhuệ, sông Đáy nhưng giải quyết còn chậm nên tình trạng ô nhiễm năm sau lại nghiêm trọng hơn năm trước”.
Sẽ báo cáo Chính phủ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam thông tin, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 32.000ha lúa và hơn 6.300ha rau màu. Lượng nước phục vụ cho nông nghiệp phụ thuộc vào lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ rất lớn. Riêng sông Nhuệ phải bơm nước phục vụ cho khoảng 5.000ha. “Việc nguồn nước sông bị ô nhiễm không phải do khu công nghiệp, làng nghề ở Duy Tiên gây ra nhưng chất lượng sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi muốn đề nghị tạm dừng không bơm nước để có cơ sở báo cáo với UBND tỉnh và từ đó tỉnh có báo cáo lên T.Ư” - ông Đạt nói.
Ông Đạt cũng cho biết, từ năm 2012, Nhà nước đã có đề án xử lý nước khu vực sông Nhuệ, sông Đáy nhưng chưa có kinh phí để triển khai. “Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị TP.Hà Nội phải làm ngay cống và đập khu Liên Mạc để ngăn lại nguồn nước ô nhiễm, xử lý trước khi đổ về hệ thống sông Nhuệ. Đồng thời, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị Bộ TN&MT đôn đốc, kiểm tra các nguồn xả thải ra sông để kiểm soát từ đầu nguồn”, ông Đạt cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, từ nhiều năm nay, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong công tác xả nước từ các đập thủy điện đổ ải phục vụ gieo cấy song năm nay có nhiều khó khăn nên cần làm tốt hơn.
Về chất lượng nước bị ô nhiễm, ông Tỉnh cho rằng đây là vấn đề lớn, không chỉ xảy ra ở Hà Nam mà nhiều địa phương tại khu vực phía Bắc nên sẽ có báo cáo lên lãnh đạo Bộ NNPTNT để Bộ báo cáo với Thủ tướng. “Đợt lấy nước đầu dù các địa phương không lấy tối đa nhưng tất cả hệ thống đều ít nhiều có ô nhiễm nên trước mắt cần thau rửa hệ thống”- ông Tỉnh nhận định.
Phát hiện tiền chất gây ung thư ở "sông tuyết"
Ngày 10.1, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, qua lấy mẫu kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng amoni trong nước tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có nơi vượt quá 96 lần cho phép. Riêng khu vực được ví là "sông tuyết", đoạn chảy qua trạm thủy lợi Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam vượt trên 70,3 lần cho phép. Nồng độ oxy hòa tan có nơi nhỏ hơn 2,5 lần, có nơi nhỏ hơn 1,6 lần giới hạn cho phép. Nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng nên UBND tỉnh Hà Nam đã đề nghị tạm dừng bơm nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân và kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ.