TP.HCM: Phân lô, tách thửa diễn biến vẫn phức tạp dù có quy định mới
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:12, 18/01/2018
Ngày 17.1, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quyết định số 60/2017 của UBND TP.HCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện quyền được tách thửa đất. Việc này phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của thành phố và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, công tác triển khai, tổ chức thực hiện lại chưa kịp thời và hiệu quả.
“Đến nay đã hơn nửa tháng kể từ ngày quyết định 60 có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản của các sở ngành hướng dẫn để quận huyện có căn cứ triển khai, thực hiện. Các quận huyện cũng chưa xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất để Sở Tài nguyên - Môi trường tổng hợp nhằm thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố.
Trong lúc đó, tình hình phân lô, tách thửa tại một số quận ven và huyện ngoại thành đang diễn biến khá phức tạp, nhất là tại quận 9. Hiện nay, có quan ngại về việc đầu nậu lợi dụng để tách thửa các thửa đất lớn hơn 2.000m2. Cũng có quan ngại về việc một số quận huyện có thể dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở. Sau đó, thực hiện tách thửa phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây”, ông Châu nói.
Do đó, Chủ tịch HoREA đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo, đôn đốc các Sở ngành, quận huyện sớm ban hành các văn bản hướng dẫn. Các quận huyện cần nhanh chóng thành lập tổ công tác để giải quyết tách thửa đất có hình thành đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, tách thửa đất nông nghiệp. Từ đó, xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất nhằm thực hiện thống nhất trên toàn thành phố.
Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn mà có diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa không nhỏ hơn 25m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m đối với đất ở và không nhỏ hơn 300m2đối với đất nông nghiệp, UBND quậnn huyện cũng cần rà soát điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của khu vực để giải quyết cho phù hợp.
Đặc biệt, các quận huyện cần thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác tách thửa đất trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tách thửa không đúng quy định và không đảm bảo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
“Đề nghị UBND TP.HCM xem xét giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí chặt chẽ để quản lý, kiểm soát các trường hợp tách các thửa đất lớn có hình thành đường giao thông nội bộ, nhất là các thửa đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên và trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở. Điều này để hạn chế việc đầu nậulợi dụng để phân lô tách thửa đất nông nghiệp tràn lan”, ông Châu nói thêm.
Phan Diệu