Ngăn chặn tin giả về dịch cúm A (H5N1)
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:48, 17/02/2020
Theo thông tin từ Bộ TT-TT, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A (H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đang xảy ra, Bộ TT-TT yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, tần suất tin, bài tuyên truyền về các nội dung phòng, chống dịch cúm trên gia cầm và nguy cơ lây sang người; khuyến cáo, hướng dẫn người dân về nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh.
Bộ TT-TT cũng yêu cầu các cơ quan báo chí không sử dụng “tít” và nội dung bài không đúng bản chất sự việc nhằm tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm; thận trọng khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ trên tất cả các loại hình báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh từ nguồn chính thức từ Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.
Đối với Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ yêu cầu các Sở TT-TT chỉ đạo cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã tuyên truyền khuyến cáo người dân và cộng đồng phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh theo tài liệu của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT về triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra và dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và nguy cơ lây sang người và các loại cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm…
Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở của địa phương. Theo dõi thông tin trên mạng xã hội để chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin xấu độc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh.
Trong công văn gửi các cơ quan báo chí và các Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người, Bộ TT-TT nêu rõ nội dung thông tin, tuyên truyền gồm tình hình dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ; các yếu tố, nguy cơ của việc sử dụng gia cầm không kiểm duyệt, không rõ nguồn gốc; những khuyến cáo về phòng, chống cúm gia cầm.
Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền cần đề cập tới các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; các biện pháp chủ động ngăn chặn sự xâm nhập virus gia cầm vào nước ta cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống chủ động tránh lây truyền sang người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người.
Những kết quả nổi bật đạt được trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thời gian qua; đồng thời phản án nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 gây ra, dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người, các loại cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm.
Hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, ngành nông nghiệp.
Thu Anh