TP.HCM muốn trở thành đô thị hạt nhân của Đông Nam Á

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:36, 23/01/2018

Sáng 23.1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đồ án quy hoạch, phạm vi vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai vàTiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2. Dự báo đến năm 2030 dân số khoảng 24-25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18-19 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70-75%...

Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng đặt ra mục tiêu TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.

Đồng thời, TP.HCM cũng muốn trở thành vùng đô thị lớn có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.

Theo quy hoạch, không gian vùng TP.HCM sẽ chia thành 4 tiểu vùng, bao gồm: tiểu vùng đô thị trung tâm, tiểu vùng phía Đông, tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc, tiểu vùng phía Tây Nam.

Tiểu vùng đô thị trung tâm sẽ gồm: TP.HCM và vùng phụ cận gồm các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Trong tiểu vùng này, TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng; TP.Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc; TP.Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Đô thị Củ Chi- Hậu Nghĩa - Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc. Các đô thị Bến Lức - Cần Giuộc - Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam.

Tiểu vùng phía Đông gồm: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai. Trong đó, TP.Vũng Tàu và Bà Rịa là cực tăng trưởng trên trục hành lang quốc tế dọc quốc lộ 51; thị xã Long Khánh là cực tăng trưởng trên hành lang kinh tế dọc quốc lộ 1A. Tiểu vùng này đóng vai trò là cửa ngõgiao thương quốc tế của cả vùng thông qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc gồm: tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và một phần tỉnh Bình Dương. Trong đó, Chơn Thành - Đồng Xoài là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 13. Đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu - Hòa Thành - Tây Ninh là cực tăng trưởng trên trục hành lang phía Tây Bắc dọc quốc lộ 22. Khu vực này là cửa ngõgiao thương phía Bắc của vùng TP.HCM nối vùng sông Mê Kông mở rộng và vùng Đông Nam Á.

Tiểu vùng phía Tây Nam gồm: tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An (trừ huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức). Trong đó, TP.Mỹ Tho, Tân An là cực tăng trưởng trên trục hành lang dọc quốc lộ 1 phía Tây Nam. Tiểu vùng Tây Nam có vai trò là cửa ngõcủa vùng TP.HCM với vùng ĐBSCL và vùng sông Mê Kông mở rộng.

Phan Diệu

Phan Diệu