CPTPP hoàn tất đàm phán, sẽ được ký vào tháng 3.2018
Quốc tế - Ngày đăng : 20:12, 23/01/2018
Quan chức thương mại 11 nước đã có mặt tại Tokyo từ ngày 22.1 để giải quyết những điểm còn bất đồng, trong đó bao gồm cả yêu cầu của phía Canada đòi phải có điều khoản bảo vệ ngành văn hóa nước này như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc. Tại lần họp này, các bên đãgiải quyết những vấn đề liên quan và hoàn tất kiểm định tính pháp lý của thỏa thuận, trang Channel News Asia cho biết.
Theo Reuters, thỏa thuận đạt được là thành công lớn của Nhật Bản, nước đã bỏ ra nhiều công sức để cứu hiệp định sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn gồm 12 thành viên.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã miêu tả thỏa thuận này như là động lực thúc đẩy tăng trưởng và cải cách của Nhật Bản, đồng thời cũng là biểu tượng cho cam kết thương mại đa phương và tự do trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh “Nước Mỹ trên hết”.
Phát biểu khi CPTPP hoàn tất đàm phán, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi cho biết CPTPP sẽ là công cụ để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Cũng theo ông Motegi, Tokyo sẽ giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận này với Washington nhằm thuyết phục nước này tham gia.
Cùng với Bộ trưởng Nhật, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Lim Hng Kiang cũng rất hài lòng với kết quả tốt đẹp của CTPP. Theo Bộ trưởng Lim: “Chúng ta đã có những nỗ lực đáng kể để duy trì tinh thần và nội dung của thỏa thuận ban đầu, trong khi vẫn cân bằng về tổng thể. CPTPP sẽ tăng cường thương mại giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đem lại nhiều dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cho khu vực hơn nữa”.
Trước đó vào tháng 11.2017, Bộ trưởng 11 nước thành viên đã nhất trí được các yếu tố cơ bản của CPTPP. Hiệp định mới cho treo 20 điều của thoả thuận TPP ban đầu trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng và vừa được thống nhất.
Vào tuần trước, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull trong chuyến thăm Nhật cũng cho biết hiệp định mới vẫn chào đón Mỹ tham gia.
Cẩm Bình (theo Reuters, Channel News Asia)