TP.HCM: Chỉ 1 hộ tại ‘chợ thần chết’ chuyển ngành hàng

Sự kiện - Ngày đăng : 17:21, 24/01/2018

Đó là thông tin được Ban Quản lý chợ Kim Biên (TP.HCM) cho biết tại buổi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm hôm 24.1. Đây là hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Lâu nay, chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) được biết đến là “chợ thần chết”, vì nơi đây tập trung rất nhiều hộ kinh doanh hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm...

Theo Ban Quản lý chợ Kim Biên trong số 315 hộ kinh doanh ở đây thì có 16 hộ kinh doanh ngành hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm... Tất cả những hộ kinh doanh đều được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm.

Bà Đặng Thị Thu Hà - Trưởng Ban Quản lý chợ Kim Biên cho biết đến nay 16 hộ kinh doanh hương liệu và phụ gia thực phẩm đã được vận động di dời vào Trung tâm kinh doanh hóa chất tập trung của TP và chuyển đổi ngành hàng. Tuy nhiên theo bà Hà việc vận động chuyển đổi ngành hàng đối với các hộ kinh doanh hương hiệu, phụ gia thực phẩm rất khó khăn.

Hiện chỉ có 1 hộ đồng ý chuyển đổi ngành hàng. Nguyên nhân là do các hộ e ngại khi chuyển đổi ngành hàng khác sẽ không có khách hàng,không thể cạnh tranh với các hộ kinh doanh khác.

Đoàn kiểm tra cũng thị sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN). Theo lãnh đạo của công ty này, đối với thịt heo công ty lấy từ nguồn tự chăn nuôi của đơn vị và hợp đồng mua bán với 54 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn đầu vào theo yêu cầu của công ty và được chứng nhận VietGap; còn thịt bò lấy từ bò Úc được giết mổ theo tiêu chuẩn Escas.

“Trong dịp tết Mậu Tuất2018 này, đơn vị sẽ cung cấp các sản phẩm thịt tươi sống (gồm thịt heo và thịt bò) ra thị trường 3.028 tấn (tăng 30% so với Tết 2017) và 3.447 tấn thực phẩm chế biến các loại (tăng 13% so với Tết 2017). Ngoài ra, đơn vị còn dự trữ từ 15 đến 20% sản lượng hàng hóa dự phòng thị trường có biến động”, lãnh đạo công ty này cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ủy viên thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trưởng đoàn kiểm tra cho biết trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sắp tới đây, Nghị định 38/2012 NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm sẽ được sửa đổi nhằm tạo sự thông thoáng để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Cơ quan nhà nước sẽ không cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp nữa mà các doanh nghiệp tự công bố. Tuy nhiên chúng tôi sẽ kiểm tra, thanh tra và xử lý rất nặng các trường hợp không đảm bảo an toàn thực phẩm. Mức xử phạt gấp 7 lần so với giá trị của hàng hóa đó”, ông Long cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong thời gian tới việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP sẽ nâng lên một bước. Những thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng, siêu thị, trường học... không chỉ đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm mà phải đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, Eurep Gap, Escas...

Hồ Quang

Hồ Quang