Được tại ngoại, nguyên Chi cục phó QLTT kêu oan
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:19, 25/01/2018
Ngày 24.1, ông Châu Hoài Phương (40 tuổi, ngụ H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã đến Viện KSND TP.Sóc Trăng để gửi đơn kêu oan. Hiện, Viện KSND TP.Sóc Trăng là nơi thụ lý hồ sơ cùng kết luận điều tra (KLĐT) của Công an Sóc Trăng về việc đề nghị truy tố ông Phương và thuộc cấp Ung Văn Thanh (35 tuổi, nguyên kiểm soát viên Đội QLTT số 7) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo KLĐT, ông Phương là Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành (KTLN) do Sở Công thương Sóc Trăng thành lập tháng 3.2016. Tháng 4.2016, đoàn này lấy mẫu 3 loại phân bón vô cơ của 1 doanh nghiệp ở TX.Ngã Năm. Sau khi 2 mẫu phân bón được kiểm nghiệm lần đầu và kiểm nghiệm bổ sung cho kết quả chưa đạt với chỉ tiêu ghi ngoài bao bì, đoàn kiểm tra đã họp và thống nhất giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp bằng cách cho giám định mẫu còn lại tại Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP.HCM). Lần giám định này cho kết quả đạt nên đoàn kiểm tra trả lại phân bón cho doanh nghiệp.
KLĐTcho rằng Thông tư 26 năm 2012, của Bộ Khoa học Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3, mà kết quả thử nghiệm lại (lần 2) là căn cứ cuối cùng để xử lý. Tuy nhiên, ông Phương đã “lợi dụng chức vụ Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT, Trưởng đoàn kiểm tra để quyết định cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm (lần 3) sai quy định".
Không lợi dụng chức vụ
Trong đơn kêu oan, ông Phương khẳng định bản thân không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vì quá trình thực thi công vụ với tư cách là Trưởng đoàn, ông Phương đã thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cấp trên giao.
"Mọi quyết định của đoàn đều được các thành viên hội ý, trao đổi, bàn bạc, ký biên bản làm việc dân chủ, công khai. Đoàn kiểm tra còn có sự tham gia của Phó Phòng cảnh sát kinh tế, là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực phòng chống hàng gian, hàng giả", ông Phương chia sẻ.
Đối với việc kiểm nghiệm lần 3 mà KLĐT cho là sai, thì ông Phương nói nguyên nhân là có khiếu nại của nhà sản xuất, mà theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì nhà sản xuất có quyền khiếu nại về chất lượng sản phẩm do họ làm ra. Còn Luật xử lý Vi phạm hành chính thì quy định “người vi phạm có nghĩa vụ chứng minh mình không vi phạm”.
“Trong vụ này có xung đột pháp luật giữa Thông tư số 26 của Bộ Khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón (được lấy 3 đơn vị để kiểm nghiệm). Vì vậy, đoàn cho kiểm nghiệm mẩu phân bón lần 3 là không sai, nên công an khởi tố, bắt giam tôi hơn 7 tháng gây hàm oan cho tôi”, nguyên Phó Chi cục QLTT Sóc Trăng nói.
Cũng theo ông Phương, sau khi có kết quả kiểm nghiệm lần đầu và kiểm nghiệm bổ sung, thì đoàn KTLN họp và các thành viên trong đoàn đồng ý 100% về việc giải quyết đơn khiếu nại của Công ty Con Cò vàng (nhà sản xuất được doanh nghiệp ủy quyền) yêu cầu giám định lại đối với mẩu phân bón thứ 3 (đã được niêm phong còn lưu tại doanh nghiệp).
Trong cuộc họp xét đơn khiếu nại, các thành viên đoàn KTLN nhận định căn cứ kết quả lần đầu và kết quả kiểm nghiệm bổ sung thì chưa có hướng xử lý vì kết quả các lần giám định có khác nhau, nên các thành viên đoàn kiểm tra có ý kiến cần thiết chấp nhận yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất phân bón và gửi mẩu đi kiểm định thêm một lần nữa để làm căn cứ cuối cùng để xử lý, nếu có vi phạm.
Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm lại do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ và phiếu đánh giá kết quả của Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng thì toàn bộ các mẫu phân bón kiểm nghiệm đều đạt chất lượng nên đoàn KTLN tiến hành họp, hội ý và thống nhất lập biên bản với 100% ý kiến là không xử phạt, trả hàng cho doanh nghiệp là đúng quy định pháp luật.
“Tôi không vụ lợi”
Trong đơn kêu oan, ông Phương khẳng định cá nhân và các thành viên đoàn kiểm tra đã thực hiện đúng công vụ, đúng pháp luật và không có động cơ cá nhân nào khác. Theo ông: “Cơ quan tố tụng cho rằng tôi thực hiện hành vi phạm tội với động cơ cá nhân nhằm củng cố uy tín cho bản thân, củng cố uy tín cho đoàn KTLN và củng cố uy tín do doanh nghiệp và Tập đoàn Con Cò Vàng là chưa thỏa đáng và không có căn cứ”.
Bởi vì, giữa ông và doanh nghiệp bán phân với Tập đoàn Con Cò Vàng không hề có mối quan hệ cá nhân. “Tôi cũng không có quen biết những người chủ của những doanh nghiệp này, nên tôi không có bất kỳ động cơ nào giúp đỡ, bao che cho những doanh nghiệp. Tôi không hề nhận bất cứ tiền bạc, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất nào từ các doanh nghiệp để nhằm thực hiện trái công vụ như cáo buộc của cơ quan tố tụng”, ông Phương khẳng định.
KLĐT của Cơ quan An ninh Công an Sóc Trăng cho rằng kết quả kiểm nghiệm 2 lần đầu đã thể hiện toàn bộ lô phân bón là hàng giả chất lượng. Theo ông Phương thì nếu nói như vậy là không đúng pháp luật, bởi căn cứ Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30.9.2014 của Bộ Công thương thì các loại phân bón được kiểm nghiệm là loại phân hỗn hợp bón rễ NPK, NP, NK, PK (chất lượng của các loại phân này được quy định tại mục A7 của phụ lục số 13 và mục 2.11 phục lục số 14 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30.9.2014 của Bộ Công thương).
Vì thế pháp luật chuyên ngành về phân bón đã quy định rõ ràng rằng chất lượng của loại phân bón (NPK, NP,NK) chỉ cần tổng hàm lượng 2 trong 3 yếu tố N tổng, P2O5 hữu hiệu và K2O hữu hiệu, % khối lượng, không nhỏ hơn 18% là đạt chất lượng.
Vì vậy, dựa vào kết quả kiểm nghiệm của tất cả các lần thì toàn bộ lô phân bón được kiểm nghiệm đều đạt chất lượng rất cao so với quy định của pháp luật (chất lượng các loại phân bón cao gấp 2 lần so với quy chuẩn do pháp luật quy định), nên không có mẫu phân bón nào là hàng giả chất lượng như cáo buộc của bản kết luận điều tra.
“Toàn bộ kết luật giám định làm chứng cứ để buộc tội tôi đều không có giá trị pháp lý và người thực hiện giám định không đủ điều kiện giám định phân bón theo quy định Luật Giám định tư pháp”, ông Phương nêu quan điểm.
“Đối với bản kết luận giám định do ông Huỳnh Minh Trí thực hiện tôi nhận thấy chưa đúng với quy định của pháp luật, bởi vì ông Trí là giám định viên tư pháp thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, là người tiến hành thực hiện giám định tư pháp kết luận về chất lượng phân bón và quy trình kiểm nghiệm phân bón của đoàn KTLN”, ông nói thêm.
Thế nhưng, ông Trí với chức vụ Phó Chánh thanh tra tỉnh Sóc Trăng, cũng là người được Giám đốc Sở Công thương quyết định phân công giải quyết đơn tố cáo ông.
“Sau khi xác minh tố cáo, ông Trí là người có thẩm quyền xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên đã tham mưu cho Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đề nghị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng vào cuộc khởi tố điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tôi.
Nay ông Trí lại tiếp tục tham gia vụ án với tư cách người giám định và đã thực hiện liên tục 2 bản kết luận giám định là không đúng pháp luật, vì tôi cho rằng có căn cứ để chứng minh ông Trí không vô tư, khách quan trong khi thực hiện giám định, vì từ ban đầu ông Trí đã xác định tôi phạm tội, nay lại giao cho ông Trí làm người giám định trong vụ án mà có tôi là bị can là không đúng pháp luật”, ông Phương nêu trong đơn kêu oan.
Hàm Yên