CĐV Việt Nam phản biện bài viết của phóng viên nước ngoài về tuyển U.23 Việt Nam

Thể thao - Ngày đăng : 07:20, 26/01/2018

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới đăng bài viết nêu một phản biện của phóng viên nước ngoài về thành công của tuyển U.23 Việt Nam trên Fox Sport, do bình luận viên Scott McIntyre (người Úc) viết với tựa đề "Đừng để Việt Nam trở thành Hy Lạp kế tiếp", chúng tôi nhận được rất nhiều phản biện trở lại của độc giả.

Bên cạnh sự quan tâm thông qua lượng đọc, bình luận, các CĐV Việt Nam đã gửi tới tòa soạn rất nhiều phản hồi. Với quan điểm riêng của mình, các CĐV đã đưa ra phản biện mạnh mẽ với bài viết của bình luận viên Scott McIntyre. Để đưa thông tin khách quan, ý kiến hai chiều, chúng tôi xin trích đăng các ý kiến của độc giả và cũng là những người hâm mộ nhiệt thành tuyển U.23 Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi chỉ sửa lại các từ viết cho chuẩn (vì độc giả trong lúc vội có thể viết nhanh) và giữ nguyên vẹn quan điểm của bạn đọc.

Trước hết, độc giả phản biện ngay tựa đề bài viết mà Scott McIntyre dùng với các ý kiến khẳng định Việt Nam đang và sẽ không phải là Hy Lạp kế tiếp.

Bạn Nguyễn Văn Xuân viết: Nhà báo này cũng nói đúng một phần thôi! Hy Lạp chỉ biết phòng ngự 90' và đánh đầu kết liễu đối thủ ở cuối trận. U.23 Việt Nam lúc cần chơi tấn công họ làm cho đối thủ lúng túng, chả có 2 trận chúng ta mở tỷ số trước đó sao! Hãy xem cách U.23 của chúng ta vượt lên trước U25 Iraq ở hiệp phụ, gỡ hòa Qatar sau 1 phút bị dẫn khi trận đấu đã ở phút 88 mới thấy Việt Nam không phải là Hy Lạp!

Bạn Nguyễn Danh Hòa cho rằng chỉ có thể so sánh Việt Nam với Ý chứ không phải là Hy Lạp: Hãy nhớ lại đội Ý tại Tây Ban Nha năm 1982. Việt Nam chính là đội Ý năm đó. Bóng đá Việt Nam có phát triển hay không hãy xem đội Ý sau năm 1982 thì có thể rút ra bài học. Còn Hy Lạp họ suy kém vì lý do kinh tế, kinh tế suy thoái thì bóng đá khó phát triển.

Bạn T.Anh cho rằng Việt Nam khác Hy Lạp quan trọng ở chỗ đang có đội hình trẻ đầy triển vọng. Bạn viết: Phóng viên Scott McIntyre này hiểu bóng đá nhưng chưa that toàn diện. Bóng đá ngày nay không còn là thể loại bóng đá tự nhiên như 50 năm trước mà nó đầu óc hơn, thể lực hơn, thương mại hơn. Là một môn thể thao có tính đối kháng cao mỗi khi ra sân chẳng khác nào lên võ đài thì mục tiêu là gì? Không ai vì chiến lược phát triển bóng đá để mà đem thử nghiệm cầu thủ trẻ hết đợt này đến đợt khác dù biết chắc rằng có thử đến cả hàng thế kỷ thì thể trạng con người Việt Nam may ra mới bằng người Châu Âu, Phi, Tây Á, Úc. Bóng đá là môn thể thao tổng hợp đòi hỏi nhiều yếu tố mới thành công và ngược lại khi thành công chứng tỏ đã có nhiều yếu tố. Vấn đề của Hi Lạp là không gìn giữ, phát triển các yếu tố dẫn đến thành công mà thôi. Đương nhiên là cách làm của Việt Nam khác Hi Lạp vì đây mới chỉ là thành công bước đầu. Nó chỉ ra hướng đi đúng đắn trong đào tạo trẻ, phát triển về mọi mặt liên quan phục vụ cho mục tiêu phát triển bóng đá.

Tiếp đến, các độc giả thông minh của chúng ta phải biện việc Scott McIntyre hạ thấp giá trị chiến thắng của tuyển U.23 Việt Nam tại giải lần này.

Bạn Xuân Hà viết: Trung Quốc nước chủ nhà bị đá văng từ vòng bảng.Nhật nếm mùi thất bại 4-0, Hàn Quốc bị loại vì thua 1-4 trước Uzbekistan. Và những nước Tây Á bị Việt Nam loại tất nhiên không bao giờ có lối đá trình diễn. Việt Nam là 2 đội mạnh nhất châu Á thời điểm này thì trình diễn hay không có cần tranh luận? Còn nhớ Afghanistan khi bị Việt Nam đá văng khỏi vòng loại có phát biểu rằng: Không phục Việt Nam? Giờ có lẽ quá phục rồi. Bầu Đức và nhiều người Việt Nam hi vọng vào lứa cầu thủ này. Khi có thày giỏi điều đó được chứng minh. Không muốn gì hơn, thậm chí U.23 Việt Nam là Tuyển quốc gia cũng đúng...

Bạn lấy tên Kjnglo viết: Nhà báo Scott Mclnture thật ngô nghê nhưng lại muốn tỏ ra hiểu biết về nhiều nền bóng đá của thế giới nhưng anh ta lại nhầm lẫn về nội dung của các giải đấu giao hữu và giải chính thức tranh các bộ huy chương của cả một châu lục.

Bạn Longnd viết: Tôi không đồng ý về nhận xét Scott Mclntyre, nhưng qua nhận xét đó cũng nhắn nhủ được một điều là chúng ta đừng ngủ quên trên chiến thắng. Ai, ai trong chúng ta vẫn biết, nếu giành được chức vô địch không có nghĩa là Việt Nam đứng đầu về nền bóng đá Châu lục. Dù là giải đấu ở cấp độ nào thì các đội bóng khi tham gia điều có mục tiêu và tìm cách đạt được mục tiêu đó. Khi đạt và vượt qua mục tiêu mà trước đó chưa thể đạt được thì cũng có thể xem là Lịch sử. Mỗi một trận đấu đều phải có chiến thuật của HLV để đạt mục tiêu, không nhất thiết phải phải là tấn công, cầm bóng, hiệu suất ghi bàn cũng thể hiện tài năng và đẳng cấp vậy. Với U.23 Việt Nam trong suốt những trận đấu vừa qua cũng đã thể hiện được điều đó, các cầu thủ U.23 Việt Nam đã là cho hàng triệu CĐV nước nhà rất phấn khích và hãnh diện, mang lại một Cảm Xúc rất tuyệt vời.

Bạn Trương Huyền viết: Tôi đồng ý nhận xét, phản biện là để chỉ ra những vấn đề tồn tại, chưa được, tìm ra nguyên nhân, đề có định hướng cho nền bóng đá của ta, sắp tới phát triển hơn, tuy nhiên nói gì thì nói, suy cho cùng thì mục đích cuối cùng vẫn là kết quả, nếu chúng ta ngay thừ đầu giải bị loại, thì sẽ nối tiếp những chuổi ngày cay đắng, không vượt qua ao làng “Đông nam Á” làm sao ra biển lớn “châu Á” chắc rằng ai đó cũng sẽ mỉa mai và có những phản biện kiểu như thế, nhưng giờ đây thì sao? Cả châu lục “ châu Á” thậm chí những tập chí thể thao uy tín nhất của thế giới, cũng đã thán phục cách chơi bóng của đội chúng ta, nếu hình tượng so sánh “châu chấu đá xe” thì mới biết, sự nhọc nhằn, khó khăn và cảm phục khi chúng ta vượt qua từng trận đấu như thế nào.

Nếu như chúng ta không có đấu pháp tốt của huấn luyện viên, sự tuân thủ nghiêm ngặt và sự tập trung hết sức mình vì màu cơ sắc áo, chưa hết đâu còn cả bản lĩnh và những kỹ năng chuyên môn của từng cầu thủ đã tạo nên nhưng cơn địa chấn, khuất phục những đội bóng lớn, họ cũng như ta đến giải thi đấu cũng gì mục đích thể hiện bản lĩnh chính mình, khuất phục đội bạn và cuối cùng là chức vô địch, vậy thì đây có phải là sự tiến bộ của chúng ta? hay chỉ là sự mai rủi ?...cám ơn huấn luyện viên Park Hang Seo đã đem đến luồn gió mới cho Bóng đá Việt Nam chúng ta, thổi bay những đội bóng lớn, thổi bay sự cố chấp ấu trỉ trong đầu của những người phản biện kiểu như Scott McIntyre, mong ông Park Hang Seo và đội tuyển U 23 chúng ta một lần nữa tạo ra cơn địa chấn để minh chứng cho cả thế giới biết rằng Việt Nam giờ đã ra biển lớn, dáng đứng hiên ngang tự tin của Vũ Văn Thanh một lần nữa sẽ đi vào lịch sử.

Bạn đọc Dũi không chỉ bác bỏ việc so sánh Việt Nam với Hy Lạp mà còn giải thích cho các bình luận viên nước ngoài hiểu vì sao thành công của U.23 Việt Nam lại quan trọng với người hâm mộ bóng đá nước ta. Bạn viết: Đúng là quan điểm của tác giả có phần phiến diện, nó chỉ đúng với những nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật, Hàn, Iran,.. Đối với bóng đá Việt Nam, xuất phát điểm là một nền bóng đá kém phát triển, lại đã "sống" quá lâu và luôn phải "bì bõm" ở khu vực Đông Nam Á - khu vực được coi là "vùng trũng" của Bóng đá Châu Á - thì thành tựu này không những đáng được lưu danh sử sách mà còn là một mốc son, một cơ sở nền tảng để không chỉ thế hệ cầu thủ này mà còn các thế hệ sau nữa phát huy, để BĐViệt Nam dần tiếp cận với trình độ hàng đầu châu lục. Đó là một mục tiêu thực tế và rất cụ thể. Phàm trên đời này mọi sự so sánh đều khập khiễng, thế nên so sánh giữa U.23 Việt Nam và đội tuyển Hy Lạp của Euro 2004 thì càng không đúng. Đây có thể là bước đột phá, hướng đi trong tương lai cho BĐViệt Nam trên con đường vươn ra biển lớn để chinh phục, để sánh vai với các cường quốc châu lục, điều mà rất nhiều năm qua ngay cả người Thái, ông vua của bóng đá Đông Nam Á chưa thể làm được. Chúng ta có nên "đi tắt, đón đầu không"? Có nên bỏ qua tấm huy chương vàng Sea Games, hay chức vô địch AFF Cup để hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn không? Câu trả lời là: Có thể lắm chứ. U20 đã dự World Cup vậy thì không có lý do gì mà U.23 không thể dự Olympic, không có lý do gì mà ĐTQG không thể vô địch Asian Cup hay thậm chí cạnh tranh suất dự ngày hội World Cup (4 năm một lân). Nhiều người có thể cho tôi là lạc quan tếu, tuy nhiên sẽ rất có nhiều người đồng tình với tôi vì điều này: Đánh đổi 10 chức vô địch AFF Cup hay 100 chiếc huy chương vàng Sea Games cũng không bằng một chức vô địch U.23 Châu Á đâu. Bởi vì ngay cả người Thái có nằm mơ thì vài chục năm nưa họ cũng sẽ không thể làm được như các cầu thủ U.23 Việt Nam. Đây thật sự là một thế hệ vàng mới của bóng đá Việt Nam, rất nhiều em trong số đó như Văn Hậu, Quang Hải,... những ngôi sao mới của bóng đá châu Á vẫn còn có thể tham dự Olympic 2020 (tất nhiên nếu Việt Nam vào bán kết một lần nữa ở giải U.23 Châu Á), và sẽ còn nhiều thế hệ tiếp sau các em nối gót để làm rạng danh cho bóng đá Việt Nam trong tương lai, và trên hết sẽ đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới, cùng đẳng cấp với người Nhật, Hàn,... vĩnh viễn thoát khỏi vũng lầy Đông Nam Á. Hoan hô U 23 Việt Nam !!!!

Ngoài ra, các độc giả còn phân tích để phản biện lại ý kiến của bình luận viên Scott McIntyre cho rằng lối chơi của Việt Nam thiếu thuyết phục.

Bạn Trần Tuấn Nghĩa viết: Ai đang quan tâm đến thành tích của bóng đá Việt Nam tại vòng chung kết U 23 chấu Á thì cũng nên đọc bài báo này. Riêng mình thì chỉ đồng tình với 2 câu trong phần kết luận của Scott McIntyre: “Nếu ngủ say sau thành công thì bóng đá Việt Nam có thể trượt dài như Hy Lạp hay Inter sau đỉnh cao. Sau thành công, các nhà quản lý bóng đá vẫn cần tỉnh táo để tìm kiếm thành công lớn hơn”. Ai chẳng thích bóng đá tấn công, bóng đá thêu hoa dệt gấm. Nhưng thể tạng của các cầu thủ Việt vốn đang thuộc dạng “thấp bé nhẹ cân’, mà đẳng cấp thì đang kém các đội mà ta vừa thắng đến năm bảy mươi bậc trên bảng xếp hạng của FIFA, mà lại bị chê là phòng ngự một cách xấu xí, chỉ lấy kết cuộc là mục tiêu ư? Nhưng thực tế cũng không hoàn toàn như vây.

Đúng là ở vòng bảng, tỷ lệ cầm bóng của đội nhà có thấp thật. Nhưng ở vòng tứ kết mành lưới của Iraq rung lên 3 lần, rồi ở vòng bán kết, mành lưới của Qatar cũng rung lên 2 lần. Thế mà gọi là đá tử thủ ư? Có ai chê hay chỉ thán phục Bồ Đào Nha, tưởng như không vượt qua được vòng bảng mà lại vô địch châu Âu không? Còn Việt Nam thắng là do các nước đã để các cầu thủ giỏi nhất của mình ở nhàì xem nhẹ giải đấu này ư. Thế sao một nhà báo Australia lại nghi ngờ đội U.23 Syria khai man tuổi, bởi có tới 8 cầu thủ cùng sinh ngày 1.1.1995. Rồi một nhà báo Iraq còn tiết lộ là U.23 Việt Nam đã đấu với U25 Iraq, bởi trong đội của họ chỉ có 3 cầu thủ (chỉ đích danh tên) là đúng tuổi.

Tất nhiên, kết quả một giải đấu không thể chứng tổ cho một nền bóng đá. Ví dụ đẳng cấp của bóng đá Trung Quốc chắc chắn là cao hơn Việt Nam. Và trong giải đấu này họ là chủ nhà nên chắc chắn là họ không cất các cầu thủ giỏi nhất đi, thế mà vẫn thua Qatar. Nếu cứ phản biện theo motip này, thì các thế lực phong kiến, đế quốc hùng mạnh chưa từng thắng được dân tộc ta cũng sẽ có người phản biện rằng là do người Việt không giám dàn trận “chiến” với họ sao. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm riêng của mình.

Cùng quan điểm, bạn Trần Mạnh Đức có một bài phản biện rất tâm huyết mà ban biên tập báo điện tử Một Thế Giới rất xúc động khi nhận được hôm qua. Xin đăng toàn bộ bài phản biện này dù khá dài Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của BLV Scott McIntyre này, đó là một lối suy nghĩ phiến diện, một quan điểm cực đoan. Ở góc độ nào đó, Thể thao khác với Văn hóa, Giáo dục và càng khác với những ngành khác. Dù ở lĩnh vực nào, ngành nào thì nhân tố cũng đóng vai trò quyết định. Song cũng là nhân tố, nhưng cái khác ở trong Thể thao đó là luôn tồn tại các khái niệm, các cụm từ “thế hệ cầu thủ tài năng - thế hệ vàng” hay “thời khắc làm nên lịch sử” hay “dưới thời HLV này, kia,…”.

Như vậy có thể nói ngoài định hướng, chiến lược đầu tư, đào tạo để phát triển thể thao ở cấp vĩ mô thì vai trò con người mà cụ thể là thế hệ cầu thủ, thế hệ vận động viên cộng thêm vai trò HLV rất quan trọng, nó đóng vai trò chính trong các cuộc tranh đua, các giải đấu. Hay nói đúng hơn, trong thể thao không thể thiếu yếu tố “năng khiếu” của từng cá nhân và khi phát huy được năng khiếu ấy thì sẽ đạt đến ngưỡng “tài năng”. Trong khi ở cõi trần gian này, “năng khiếu bóng đá” không xuất hiện ở tất cả mỗi con người, “tài năng” cũng không phải xuất hiện ở mỗi thế hệ hay mỗi lứa cầu thủ.

Vì vậy trên phương diện nào đó, có thể xem các giải đấu thể thao là các cuộc chiến, các sân chơi chính là chiến trường mà nơi đó chẳng ai muốn biến mình thành “quân xanh”, chẳng ai muốn thất bại, mà ai cũng muốn tìm cách này cách khác để giành chiến thắng. Trong đó mỗi trận chiến cần có tinh thần chiến đấu dũng cảm và đặc biệt không thể thiếu một vị chỉ huy tài ba biết địch biết ta và biết tận dụng thời cơ để chiến thắng và làm nên lịch sử - đó chính là thời thế tạo anh hùng.

Trong thể thao, trên thế giới không một quốc gia nào có thể duy trì mãi vị trí số 1 ở một môn thể thao nào đó, cũng không có đội nào duy trì mãi thành tích quán quân, mà chỉ có thể vô địch và thành công nổi bật trong một gian đoạn nhất định nào đó khi mà họ sở hữu một thế hệ cầu thủ (hay VĐV) giỏi tài năng và tất nhiên được dẫn dắt bởi một HLV giỏi, đồng thời có được sự ủng hộ của Nhà nước và người hâm mộ nước họ, cộng thêm một số yếu tố khách quan khác. Trở lại VCK U.23 châu Á 2018 này, đúng là U.23 Việt Nam đang là một hiện tượng của giải, đang là tâm điểm của giới thể thao châu Á nói chung và Bóng đá châu Á nói riêng cũng như tiêu hao biết bao thời gian tâm trí của làng báo chí và giới hâm mộ trên cái châu lục da vàng này.

Một đội bóng luôn ở “vùng trũng” của nền bóng đá châu lục lại liên tiếp đánh bại các đội tuyển mạnh nhất châu Á để giành vé vào đến trận CK thì hẳn là chuyện cổ tích thời nay và không tránh khỏi những hoài nghi nẩy sinh từ giới chuyên môn hay như vị BLV trên kênh thể thao Fox Sport này.

Và cũng sẽ là khập khiễng nếu so sánh hiện tượng U.23 Việt Nam ở giải này với hiện tượng đội tuyển Hy Lạp tại Euro 2004. Nếu chúng ta xem kỹ lối chơi của U.23 Việt Nam tại giải này mà nhất là ở 2 trận knock-out Tứ kết & Bán kết mới thấy sự khác biệt và hoàn toàn không như cách mà người Hy Lạp đã thể hiện trước đây. Tại Euro 2004, đội tuyển Hy Lạp được ví như bức tường bê tông hay như chiếc xe Buýt 2 tầng chắn trước khung thành, hầu như chỉ áp dụng chiến thuật phòng thủ, họ thủ đến mức cả đối phương phải nản chí và người xem phát chán, để rồi nhân cơ hội họ biết tận dụng thời cơ phản công.

Trong suốt giải Euro 2004, trận đấu duy nhất tuyển Hy Lạp ghi được 2 bàn thắng đó là trận khai mạc với đội tuyển Bồ Đào Nha, còn lại tất cả các trận tiếp theo đến trận chung kết dù thua hay thắng họ cũng chỉ ghi được 1 bàn thắng duy nhất vào lưới đối phương, có những trận Hy Lạp thắng hoàn toàn do may mắn. Thống kê như thế để minh chứng cho thấy sự so sánh có phần khập khiễng của BLV Scott McIntyre này. Thực tế rõ ràng U.23 Việt Nam thi đấu tại giải này bằng chiến thuật công-thủ hài hòa tùy tính chất mỗi trận, khi bị dẫn trước họ đều quyết tâm tấn công để giành lại tình thế. Họ thể hiện trên sân bằng một lối đá đẹp rất hấp dẫn người xem, khiến các bại thủ phải tâm phục khẩu phục và thực tế những chiến thắng đó hoàn toàn không phải do may mắn (thậm chí U.23Việt Nam còn luôn bị Trọng tài ép). Chỉ cần xem lại những bàn thắng của U.23 Việt Nam trong trận tứ kết với Iraq (tỉ số 3-3 trong 120 phút) và trận bán kết với Qatar (2-2 trong 90 phút), đó là những bàn thắng từ những pha tấn công đẹp rất đẳng cấp thậm chí có bàn như siêu phẩm đã đem lại cho hàng triệu con tim của NHM những giây phút đầy kịch tính, lúc thăng hoa lúc trầm lắng hồi hộp, trào dâng đầy cảm xúc. Đấy chính là nét đẹp của bóng đá rồi, còn mong gì đẹp hơn nữa. Chẳng thế mà hàng triệu người hâm mộ ở nước chủ nhà Trung Quốc, vốn luôn coi Việt Nam là một nước nhỏ bé, coi nền bóng đá của Việt Nam chỉ đáng ở cái vùng trũng, lại quay lưng với đội tuyển của họ để sang cổ vũ ủng hộ và dành những mỹ từ ca ngợi cho U.23 Việt Nam.

Xem ra BLV Scott McIntyre dù đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về bóng đá Việt Nam, nhưng suy cho cùng anh ta chẳng hiểu gì về văn hóa, thể thao và dân tộc Việt Nam, đặc biệt là khát vọng chiến thắng của hơn 90 triệu con tim Việt Nam, mà thực ra anh ta cũng chỉ là một người mang bệnh giáo điều chỉ chuyên về lý thuyết sách vở với cái môn túc cầu này. Hàng bao năm nay người hâm mộ (NHM) Việt Nam đã chịu quanh quẩn với nền bóng đá khu vực mà người ta vẫn cho đó là “cái ao làng”, chưa có điều kiện và cơ hội để vươn ra biển lớn. Dù bóng đá Việt Nam đã tham gia rất nhiều cuộc chơi ở khu vực và cấp châu lục, nhưng đến nay nhìn lại bảng thành tích thì có vẻ vẫn còn khiêm tốn. Đã bao lần hy vọng chiến thắng để rồi lại hụt hẫng và tràn đầy thất vọng, rồi NHM Việt Nam cũng đã quá quen với các điệp khúc mỗi khi thất bại ở một giải đấu nào là “để học hỏi kinh nghiệm” hay nào là “cơ hội để các cầu thủ va chạm”,…. NHM Việt Nam không thể chờ mãi để các ĐT của mình cứ suốt học hỏi rồi va chạm ở hết giải này đến giải khác nữa, đã có khoảng thời họ mất niềm tin vào bóng đá Việt Nam.

Vì thế đến giờ này, tại giải U.23 Châu Á 2018 này, chính đội tuyểnU.23 Việt Nam đã làm lên điều kỳ diệu, họ đã đền đáp cho khát vọng mòn mỏi của NHM Việt Nam bằng một kỳ tích góp phần đưa bóng đá Việt Nam vào trang sử mới của nền BĐ Châu Á. Dù kết quả trận CK thế nào, thì ĐT U.23 Việt Nam đã là những NHÀ VÔ ĐỊCH trong tim của dân tộc Việt Nam. Họ hoàn toàn xứng được vinh danh như thế và rất đáng được thưởng thật nhiều, đơn giản và chính đáng bởi lẽ họ đã làm được điều mà các thế hệ trước đây của bóng đá Việt Nam chưa làm được, và hơn thế nữa ngay cả các nước trong khu vực vẫn luôn cạnh tranh với họ cũng chưa làm được cái điều “kỳ diệu và vinh quang” ấy.

Bên cạnh đó, bạn đọc báo điện tử Một Thế Giới cũng những lời đồng cảm với các cảnh báo của bình luận viên Scott McIntyre về chuyện không được ngủ quên sau thành công.

Bạn Lê Đăng viết: Tôi đồng cảm một số phân tích với bài phản biện của phóng viên nước ngoài. Nếu như trận tới Việt Nam sẽ vô địch U.23 Châu Á thì tất cả chúng ta đều vui sướng tột cùng, nhưng nhiều người chúng ta không dám nghĩ bóng đá Việt Nam đã sánh ngang với các nền bóng đá hàng đầu khác trong khu vực? Nên bài phản biện của phóng viên nước ngoài phân tích một khía cạnh khác của sự nghiệp phát triển bóng đá của Quốc gia mà chúng ta cần lắng nghe. Thành công của đội tuyển U.23 của Việt Nam ta là nền tảng, cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng một nền bóng đá Việt Nam phát triển vững chắc, từng bước một để trở thành nền bóng đá mạnh của khu vực, châu Á và thế giới. Trước mắt chúng ta ủng hộ hết mình và cầu chúc U.23 của ta vô địch trong trận đấu chung kết. Tương lai bóng đá Việt Nam để sau sẽ bàn

Bạn Phan Hoàng Vũ viết: U.23 Việt Nam làm cho NHM cả nước vui. Nhưng theo tôi Scott McIntyre nhận xét quá đúng về bóng đá Việt Nam. Kết quả giải bóng đá trẻ không phản ảnh được sự phát triển bền vững của nền bóng đá.

Bạn Trần Trung Tuyến viết: Scott này bạn có sự quan sát tinh tế và chính xác đấy nhưng hãy để 90 triệu dân Việt Nam và cả bạn nữa ăn mừng chiến thắng. Bởi lịch sử đã gọi tên U.23 Việt Nam dù nó chỉ là một giải đấu cáp độ đội tuyển trẻ. Vì rất lâu bóng đá Việt Nam mới làm nên kỳ tích phi thường và kỳ diệu. Hãy vui đã vì những phút giây như thế rất khó lặp lại Scott ạ. Cảm ơn bạn Scott thân mến

Vẫn còn rất nhiều ý kiến phản biện của độc giả gửi cho báo điện tử Một Thế Giới và fanpage của báo. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài báo thì chúng tôi không thể đăng hết mọi ý kiến. Ban biên tập báo điện tử Một Thế Giới xin cảm ơn mọi ý kiến đóng góp tâm huyếtvà xin cùng mọi người chúc tuyển U.23 Việt Nam sẽ giành chiến thắng trong trận chung kết giải vô địch U.23 châu Á vào chiều 27.1.

MTG

Anh Tú