Năm 2018 nhiều trường mở ngành mới để nâng số lượng tuyển sinh
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:25, 29/01/2018
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã sớm công bố phương án tuyển sinh, với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, song song với việc thêm ngành là có thêm tổ hợp xét tuyển mới.
Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ ĐH được ban hành, kèm theo Thông tư số 24 ngày 10.10.2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thì hiện có 366 ngành đào tạo (tăng thêm 105 ngành so với danh mục được ban hành năm 2010). Trong đó, sự thay đổi tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: An ninh quốc phòng, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, khoa học xã hội và hành vi. Trong đó, ngành đào tạo giáo viên lần đầu tiên có rất nhiều ngành mới, như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, X’đăng... bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạotrường Đại học Bách khoa cho biết năm nay trường sẽ tăng chỉ tiêu ngành CNTT lên khoảng vài trăm, đặc biệt là các chuyên ngành CNTT đang 'hot' như An toàn thông tin - An ninh mạng, Truyền thông dữ liệu và mạng máy tính, Khoa học máy tính...
"Trường chủ trương chuyển sang phương pháp dạy hỗn hợp, một phần trực tuyến, một phần trên lớp. Theo thiết kế, sinh viên sẽ có30% học phần đào tạo online, 70% còn lại là đào tạo trên lớp. Việc này đạt được hai mục tiêu là sinh viên thuận lợi hơnvà giảng viên có thể làm việc ở bất kỳ đâu, không nhất thiết phải lên lớp, tất nhiên trong giảng dạy sẽ không phó mặc hoàn toàn cho sinh viên mà vẫn có những tiết học bắt buộc theo dõi và đánh giá. Hiện nay trên thế giới cũng đào tạo hình thức hỗn hợp này, năm 2018 trường sẽ triển khai thí điểm và đánh giá, nếu hiệu quả sẽ triển khai trên toàn trường”, ông Nguyễn Phong Điền cho hay.
TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết năm 2018 nhà trường mở thêm 6 ngành mới gồm thiết kế đồ họa, kiến trúc, quản lý xây dựng, năng lượng tái tạo, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, sư phạm công nghệ. Hy vọng với các ngành nghề mới này sẽ thu hút được đông đảo các em học sinh đăng ký, mở rộng quy mô của trường.
Có thể nói, năm 2018 là một năm có những bước tuyển sinh được đánh giá là mở rộng nhất trong các kỳ tuyển sinh. Kỳ thi THPT Quốc gia được áp dụng tới 9 môn, trong đó có cả môn Giáo dục công dân để làm căn cứ tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.Để đảm bảo nguồn tuyển cũng như chất lượng thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo, nhiều trường ĐH, CĐ đã xây dựng tổ hợp môn hoàn toàn khác biệt so với các khối thi “truyền thống”. Tiêu biểu như: Trường ĐH Tài chính-Marketing bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển D96 (Toán - Tiếng Anh - Khoa học xã hội) bên cạnh các khối truyền thống là A và D1.
Đây là động thái tích cực của các trường nhằm thu hút người học vào những ngành xã hội đang cần, giảm đào tạo ở những ngành lao động đang dư thừa. Việc yêu cầu các trường phải công bố chuẩn đầu ra cùng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm từ Bộ đã khiến các trường tích cực hơn trong việc chủ động đào tạo những ngành nghề có tính ứng dụng và cơ hội việc làm cao.
Liên quan đến tổ chức kỳ thi quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2018, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã có văn bản gửi các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Theo đó, phương thức tổ chức kỳthi THPT Quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017. Bộ sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Dạ Thảo