Vụ PVP Land: Trịnh Xuân Thanh thấy mức án chung thân là quá kinh khủng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:10, 26/01/2018
Trong phần tự bào chữa bổ sung, theo bị cáo Thanh, bị cáo thấy mình bị quy chụp và không thể hình dung mình bị cáo buộc tù chung thân, một cáo buộc quá kinh khủng. Bị cáo thấy pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh. Vì vây, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX xem xét sự việc một cách thực tế, khách quan.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, theo nhận định của đại diệnVKS trong phần luận tội, trong quá trình điều tra bị cáođã không thừa nhận việc thỏa thuận, chỉ đạo bán cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế để chia nhau, chiếm đoạt tiền chênh lệch.
Tuy nhiên, VKS cũng cho rằng lời khai của bị cáo Thanh cũng giúp cơ quan điều tra làm rõ hành vi của từng bị cáo, số tiền 14 tỉ đồng, bị cáo Thanh đã trả lại cho bị cáo Thái Kiều Hương nên VKS đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Từ đó, đại diện VKS đề nghị xử phạt Trịnh Xuân Thanh chung thân về tội Tham ô tài sản.
Trong phần tranh luận vào chiều 25.1, sáng 26.1, các luật sư tập trung gỡ tội cho nguyên Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh với hai nội dung bị cáo buộc là: Chỉ đạo việc bán 100% cổ phần của PVP Land (do PVC nắm 28% cổ phần) tại Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương; và tham ô 14 tỉ đồng từ số tiền chênh lệch do việc bán cổ phần mang lại (tương ứng giá bán 34 triệu đồng/m2tại dự án Nam Đàn Plaza, thấp hơn mức giá thực tế 52 triệu đồng/m2).
Theo đó, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) nêu quan điểm: Dự án Nam Đàn Plaza chỉ là một phần tài sản của doanh nghiệp. Thực chất PVP Land đã có dự án Nam Đàn Plaza từ trước, nhưng do hoạt động thua lỗ và thực hiện chủ trương tái cơ cấu của PVN nên mới chuyển về PVC.
Theo luật sư Thiệp, việc chuyển nhượng diễn ra trước thời điểm PVP Land sát nhập vào PVC nên không thể có việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo hay có ý kiến với tất cả các thành viên HĐQT. Nếu có ý kiến thì cũng chỉ có ý kiến với 2 người đại diện phần vốn góp.
Tài liệu điều tra cho thấy: PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT nắm 14 triệu cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land. Theo quy chế của người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 402 QĐ-XLDK ngày 21.11.2008 thì Đào Duy Phong (Chủ tịch HĐQT PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (TGĐ PVP Land) được Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.
Điều này buộc những người đại diện phần vốn góp phải báo cáo, xin ý kiến chấp thuận của HĐQT PVC và Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này.
Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng việc cáo buộc Trịnh Xuân Thanh dù biết hay không biết mức giá chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 (chênh lệch 18 triệu đồng/m2) cũng không ảnh hưởng gì đến việc thoái vốn của PVP Land tại Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương.
Theo luật sư Quynh, trong những tài liệu của cơ quan điều tra, không có tài liệu nào chứng minh vai trò của bị cáo Thanh. Một trong những người quyết định mua hay không mua và mua với giá như thế nào phải là bị cáo Lê Hòa Bình.Vị luật sư cho rằng,bản luận tội đang chỉ dựa vào những lời khai không có bằng chứng; không thể có việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh tác động việc mua hay bán cổ phần.
Về số tiền 14 tỉ đồng chứa trong vali chuyển cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng không thể có chuyện 85 cọc tiền, tương ứng 85 nghìn tờ tiền, để trong một cái vali xách tay. Do vậy chứng cứ vụ án không phù hợp; hơn nữa trong đó có cả tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng.Cuối cùng, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc cáo trạng truy tố thân chủ của ông phạm tội Tham ô tài sản là không có căn cứ.
HĐXX sẽ tiếp tục làm việc vào ngày Chủ nhật (28.1).
Theo cáo trạng, cuối năm 2009 đầu năm 2010, PVN có chủ trương chuyển tất cả các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho PVC quản lý. Cùng thời điểm này, bị cáo Lê Hòa Bình muốn mua Dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn.
Thông qua môi giới của bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27.3.2010, bị cáo Bình cùng với 5 cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỉ đồng. Để mua tiếp số cổ phần còn lại, bị cáo Thái Kiều Hương nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại Dự án Nam Đàn Plaza. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý và chỉ đạo bị cáo Đào Duy Phong đứng ra thu xếp việc mua bán.
Thực hiện sự chỉ đạo, bị cáo Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng/cổ phần (tương đương giá 34 triệu đồng/métvuôngđất tại Dự án Nam Đàn Plaza) và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý. Vài ngày sau đó, bị cáo Bình chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/métvuông(chênh lệch 18 triệu đồng/mét vuông). Tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỉ đồng.
Cáo trạng cho rằng, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt được 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỉ đồng, Đào Duy Phong 8 tỉ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỉ đồng, Đặng Sỹ Hùng 20 tỉ đồng. Tổng cộng, các bị can đã chiếm đoạt được 49 tỉ đồng.
Nhã Thanh
Luật sư của Đinh Mạnh Thắng nói thân chủ chỉ có dấu hiệu trục lợi chứ không tham ô
VKS đề nghị xử Trịnh Xuân Thanh chung thân, Đinh Mạnh Thắng 11-12 năm tù
Đinh Mạnh Thắng: 7 năm sau khi trả lại ‘tiền cảm ơn’ mới bị khởi tố
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng: Có chuyển vali 14 tỉ cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh