Trung Quốc tập hợp nhân tài phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử trong quân sự
Quốc tế - Ngày đăng : 20:38, 27/01/2018
Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc là đơn vị nghiên cứu cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc. Hơn 95% số người vừa được tuyển dụng có bằng tiến sĩ và có chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là AI hỗ trợ cho các thiết bị không người lái và công nghệ lượng tử, theo tờ Giải phóng quân báo.
Các nhà phân tích đánh giá đây là hoạt động nằm trong nỗ lực biến Trung Quốc thành cường quốc công nghệ quân sự, bắt kịp quân đội Mỹ đang vượt trội hơn. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng yêu cầu nước này phải xây dựng được những viện nghiên cứu công nghệ quân sự đẳng cấp thế giới.
Ông Collin Koh, chuyên gia quân sự của Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam thuộc đại học Nam Dương (Singapore), đánh giá nhiệm vụ phát triển công nghệ của quân đội Trung Quốc được thúc đẩy bởi phương Tây.
“Trung Quốc từ lâu đã có mong muốn đứng ngang hàng với những nước có nền công nghệ quân sự hàng đầu, để phục vụ cho mục đích quốc phòng cũng như khẳng định vị thế là nhà cung cấp vũ khí toàn cầu. Các nhiệm vụ phát triển công nghệ của Trung Quốc phù hợp với vị trí và chiến lược quân sự của họ, tìm cách xóa đi ưu thế của quân đội Mỹ tại các điểm nóng của khu vực như eo biển Đài Loan”, chuyên gia Koh cho biết.
Trong số các nhà nghiên cứu được tuyển dụng có ông Phan Kiến Vĩ của đại học Khoa học công nghệ Trung Quốc. Ông là người đứng đầu một nhóm nghiên cứu công nghệ lượng tử. Nếu Trung Quốc đạt được đột phá trong ứng dụng công nghệ này vào quân sự, họ sẽ có lợi thế rất lớn.
Ông Benjamin Ho, một nhà nghiên cứu khác của Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, cho biết lợi ích của công nghệ lượng tử là giúp tạo ra những cảm biến tốt hơn, qua đó nhận thức về tình huống tác chiến rõ hơn. Theo ông: “Thông tin là vua trong chiến tranh hiện đại, và bên có bức tranh chiến trường rõ hơn sẽ có lợi thế so với đối thủ. Bạn không thể đánh lại những gì bạn không thể thấy”.
Ông Ho cũng đánh giá trong vài năm nữa, công nghệ lượng tử sẽ được dùng để giải mã các tín hiệu được mã hóa mà kẻ địch gửi đi.
Trước đó vào tháng 8.2015, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh có trang bị công nghệ lượng tử đầu tiên của thế giới. Vệ tinh được phóng nhằm mục đích kiểm tra khả năng dùng công nghệ lượng tử cho công tác liên lạc từ vũ trụ. Nước này cũng đang phát triển một loại vệ tinh mới có thể theo dõi mục tiêu tàng hình như máy bay ném bom trong đêm.
Còn về AI, chuyên gia Koh cho biết ứng dụng được chúng vào quân sự sẽ giúp giảm nhu cầu nhân lực cho quân đội, đồng thời cũng là giải pháp giảm thiểu chi phí và rủi ro khi hoạt động trong những tình huống nguy hiểm. Trước đó vào năm 2013, Trung Quốc đã cho một máy bay không người lái bay vào không phận ở quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản.
Cẩm Bình (theo SCMP)