Có thể nâng tỷ lệ đại biểu QH chuyên trách lên 40%

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:28, 22/02/2020

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 42 vừa qua. Về tỷ lệ đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách, Ủy ban tiếp tục nêu 2 phương án để thảo luận, xin ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 42 - Ảnh: VPQH

Phương án 1: Quy định tỷ lệ đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu quốc hội. Trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Phương án 2: Giữ quy định tỷ lệ đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Về Đoàn đại biểu quốc hội, tiếp tục xác định Đoàn đại biểu quốc hội là hình thức tổ chức của các đại biểu quốc hội được bầu ở địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đại biểu quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Đoàn đại biểu quốc hội không phải là cơ quan của Quốc hội. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của đại biểu quốc hội và Đoàn đại biểu quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành tổng kết việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng chung, trong đó thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 2.2020.

Trước đó, tại phiên họp thứ 42, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức từ 37 - 40% tổng số đại biểu quốc hội hoặc cao hơn nữa (hiện nay là 35%).

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo xin thể hiện thành 2 phương án để xin ý kiến như sau: Phương án 1 là giữ quy định về tỷ lệ đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu (tương đương 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Phương án 2 là quy định tỷ lệ đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu (tương đương khoảng 200 đại biểu).

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu rõ quy định của luật phải làm sao thu hút được các chuyên gia nhưng đồng thời đã từng công tác ở cơ quan quốc hội hoặc từng công tác ở các bộ. Nếu được thì không giữ chức vụ gì cả chỉ làm đại biểu quốc hội, để thu hút chất xám và đặc biệt là kinh nghiệm công tác và trí tuệ của họ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.

Bà Phóng cho rằng nên quy định thẳng vào trong luật là số lượng đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất phấn đấu từ 37 đến 40% tổng số đại biểu quốc hội như hướng dẫn của Trung ương và Ban Công tác đại biểu đề xuất trong nhiều khóa là sẽ thu hút được các cán bộ đã có kinh nghiệm và các chuyên gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một dự luật quan trọng, đa số đại biểu quốc hội mong muốn lần sửa đổi này không làm giảm vị thế, vai trò, hoạt động của các đại biểu. Cơ bản trong khóa 14, thực tiễn hoạt động của các đại biểu không có gì vướng mắc, do đó lần sửa đổi lần này không đặt phạm vi sửa đổi toàn diện luật mà chỉ sửa đổi một số điều.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý quan điểm nên để con số 40% đại biểu chuyên trách trên tổng số đại biểu quốc hội để có mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, kết luận tiếp tục nêu 2 phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó chủ tịch/Phó chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó chủ tịch/Phó chủ nhiệm, Ủy viên thường trực và Ủy viên chuyên trách.

Phương án 2: Quy định Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó chủ tịch/Phó chủ nhiệm và các ủy viên; còn việc xác định bộ phận Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban để hoạt động chuyên trách, thường xuyên tại Hội đồng, Ủy ban sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Về chuyển các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Cùng với đó, Đảng đoàn Quốc hội sẽ bố trí một phiên họp để thảo luận kỹ hơn các đề án về bộ máy giúp việc của Quốc hội và các vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lam Thanh