Trung Quốc: Sinh viên thử nghiệm 'sống trên mặt trăng' suốt 200 ngày
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:54, 31/01/2018
Ngày 26.1, nhóm sinh viên thứ hai đã kết thúc thời gian sống trong Nguyệt Cung-1được 200 ngày, phá vỡ kỉ lục sống trong môi trường mô phỏng do phía Nga lập trước đó (180 ngày).Nhóm này đã bắt đầu cuộc sống ở Nguyệt Cung-1 từ ngày 9.7.2017.
Thử nghiệm “sống trên mặt trăng” do Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BUAA) tiến hành từ tháng 5.2017, với sự tham gia của hai nhóm sinh viên. Nhóm 1 đã ở trong không gian mô phỏng này từ tháng 5 đến tháng - 7.2017.
Trạm mô phỏng mặt trăng này có tên gọi chính thức Nguyệt Cung-1, có diện tích khoảng 160m2, tập trung phát triển nguồn thức ăn cho phi hành gia, không cần gửi nguồn viện trợ lên mặt trăng. Những loại có thể trồng trong Nguyệt Cung-1 gồm lúa mì, khoai tây, cà rốt, đậu tây và hành.
Đội tham gia thử nghiệm cũng được cho ăn các loại trùn và sâu bọ. Đây là nguồn chất đạm cho phi hành gia và cũng có công dụng giúp cây trồng phát triển.
Ngoài mục đích kiểm tra hệ thống cung cấp thức ăn, những cuộc thử nghiệm cũng được thiết kế để cung cấp những thông tin về cách con người xử lý những căng thẳng tâm lý khi bị kẹt trong một không gian nhỏ với nhiều người qua một thời gian dài, không có ánh sáng mặt trời.
Nguyệt Cung-1 là một cơ sở mới được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Cơ quan không gian của nhiều quốc gia khác cũng đã từng thực hiện những cuộc mô phỏng tương tự.
Mô phỏng trong trạm Nguyệt Cung-1 chỉ là một phần trong chương trình chuẩn bị cho khám phá mặt trăng của Trung Quốc. Cuối năm 2018, nước này muốn đưa tàu vũ trụ đáp lên phần tối của mặt trăng. Họ cũng có một nhiệm vụ dài hạn là đem những mẫu vật từ mặt trăng về Trái Đất.
Cẩm Bình (theo Newsweek, Sina)