Trúng quýt hồng trồng trên… ‘nóc nhà miền Tây’
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:26, 01/02/2018
Vườn quýt hồng độc đáo
Núi Cấm được mệnh danh là Đà Lạt 2, hay “nóc nhà miền Tây”. Nó còn gọi là Thiên Cấm Sơn, có nhiều thắng cảnh đẹp và giai thoại huyền bí. Cứ ngỡ ở vào thế chỉ có rừng cây núi đá, người dân chẳng thể làm giàu từ nông nghiệp. Nhưng bất ngờ giữa vùng núi hiểm trở, lộ ra vườn quýt hồng tươi tốt, trái trĩu cành.
Đó là vườn quýt của lão nông Trần Thanh Tùng - 85 tuổi, ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, H.Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ông Tùng kể, những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, nhà ông nằm dưới chân núi Cấm. Sang năm 1979, khi cuộc chiến vừa ngơi tiếng súng, ông cùng vợ con lên ngọn núi này lập nghiệp. Rồi hàng ngày ông phải cõng gạo lên đây, nấu ăn.
Với vài công đất ông bà để lại, thoạt đầu ông Tùng chẳng biết làm gì. Ông chỉ trồng được vài loại cây có giá trị kinh tế thấp, như xoài, mít, chuối. Những năm ấy, 6 tháng mùa nắng trên núi gặp vấn nạn thiếu nước sinh hoạt. Vì thế nước tưới tiêu lại càng khan hiếm.
Ông Tùng giàu lên nhờ trồng quýt trên núi - Ảnh: Thanh Thanh
Vài năm sau, khi cây su thích nghi được với đất núi, lúc ấy ông Tùng cũng trồng su, kiếm được mớ tiền trang trải, nhưng cũng nghèo. Ít năm sau đó, do có quá nhiều người trồng nên su rớt giá. Lúc này nhu cầu chuyển dịch cây trồng đáp ứng yêu cầu 3 trong 1 (vừa sống được trên đất sỏi, đạt năng suất và có giá trị kinh tế cao) lại đặt ra gay gắt.
Ông Tùng cho biết, trước thách thức của thực tiễn khiến ông phải nhiều đêm thức trắng, suy tư và toan tính. Rồi năm 1990, trong một dịp tình cờ khi ông đi thơ thẩn bên vách đáthì chợt thấy 5 cây quýt tự mọc sau hè nhà mình. Đó là những cây quýt do vợ ông rải bừa hạt quýt hồng đã ăn, vô tình mọc lên. Hái những trái quýt đầu mùa, ông bóc vỏ ăn thử thì cảm thấy ngọt lịm, không kém cạnh gì với quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp).
Mừng quá, ông quyết định nhân giống loại cây này để cứu lấy kinh tế gia đình. Ông chiết cành nhân giống, rồi còn lặn lội xuống tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp tìm mua thêm giống quýt Tiều (còn gọi là quýt hồng Lai Vung) về trồng thử.
Trồng được vài năm thì quýt cho trái. Hễ vào mùa Xuân, cận tết là quýt chín. Vài mùa sau, vườn quýt nho nhỏ của ông Tùng cho trái oằn sai. Nhìn vườn quýt đượm một màu vàng óng, ông mừng như bắt được vàng. Năm 2000, chỉ với 150 gốc quýt đã giúp ông Tùng “ẵm” về hơn 60 triệu đồng tiền lời.
Anh Thảo bên những giỏ quýt thu bạc tỉ - Ảnh: Thanh Thanh
Ông Tùng cho hay, với kết quả đầy bất ngờ ấy như tiếp thêm sức lực, nên ông vận động cả gia đình ra sức bó cành nhân giống. Đến năm 2009, ông đã sở hữu được trên 1.500 gốc quýt hồng, vị ngọt lịm. Ông còn trồng xen quýt đường. Ngoài việc bán quýt trái, ông Tùng còn bán cây giống cho hàng trăm nông dân ở vùng Thất Sơn. Những năm đó, chỉ tính riêng việc bán cây giống, ông thu về vài chục triệu đồng mỗi năm.
“Tôi sẵn sàng chỉ kỹ thuật cho bà con trồng. Nhưng thú thật là trồng quýt trên núi không đơn giản chút nào. Dày công lắm mới có ăn, còn lơ mơ thì thua. Trên núi này có vài hộ trồng, nhưng chưa ai trồng cho năng suất cao và ngọt như tui”, ông Tùng chia sẻ.
Sỏi đá ra… vàng
Ông Tùng còn cho biết, để thực hiện ước mơ làm giàu từ cây quýt hồng, gia đình ông với 7 nhân khẩu đã mất gần chục năm miệt mài cải tạo đất. Và nhất là hành trình chinh phục sỏi đá đi tìm nguồn nước. Sống trong cái khó buộc phải ló cái khôn, sơn dân núi Cấm ngày đó tìm cách khai thác những khe suối.
Vườn quýt xum xuê, trĩu quả của ông Tùng - Ảnh: Thanh Thanh
Nhiều người còn nghĩ đến chuyện khoan giếng trữ nước tưới tiêu. Song, do đặc thù vùng núi nên nước ngầm nơi có, nơi không. Trong khi những con suối chỉ đáp ứng được nước sinh hoạt cho những nhà nằm thấp hơn nó. Còn những căn nhà nằm cao ngất như nhà ông thì gần như bó tay. Tuy nhiên, ông chẳng chịu thua.
Cha con ông Tùng quyết tâm bắt tay vào việc đào giếng trữ nước. Hai người con trai lực lưỡng cùng ông Tùng lao vào làm việc cật lực. Công trình đào giếng trữ nước mất hàng năm dài, khó khăn đến nỗi nhiều lần họ định bỏ cuộc. Nhưng ông lại động viên các con cố gắng.
Rồi sau nhiều năm dài đào núi, phá đá, những bàn tay lao động cần mẫn đã trở nên chai sạm, đổi lại, công trình hồ treo chứa hàng chục mét khối nước nằm cao hơn 700m so với mực nước biển của gia đình ông Tùng cũng hoàn thành. Từ năm 2012 đến nay, nước tưới tiêu cho việc trồng quýt nhà ông đã đủ.
Anh Trần Văn Thảo (37 tuổi, con thứ 4 của ông Tùng) phấn khởi cho biết, trong năm 2017, gia đình anh trồng được 3 ha quýt hồng và quýt đường. Cơn bão số 16 đã tràn qua, quật cây làm rụng cả tấn trái trong vườn quýt nhà anh. Dù vậy mà mấy ngày vừa qua, gia đình anh còn thu hoạch được 31 tấn quýt đường. Với giá bán 14.000 đồng/kg, gia đình anh đã thu được 434 triệu đồng.
Thu hoạch quýt hồng - Ảnh: Thanh Thanh
Còn quýt hồng thì đến ngày 25 tết âm lịch mới thu hoạch, nhưng ước đạt khoảng 60 tấn trái. Quýt hồng hiện có giá bán tại vườn là 22.000 đồng/kg. Tính ra thì việc bán trái quýt hồng mùa này, gia đình anh thu khoảng 1 tỉ 320 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lời trên dưới 1 tỉ đồng.
Kể từ năm 2012 đến nay, nhu cầu tiêu thụ quýt hồng, quýt đường tăng cao vào dịp tết, nên quýt nhà anh trồng không đủ bán. Do vậy, thương lái các tỉnh đã đến tận núi Cấm, tự hái mà mua.
“Mặc dù vậy, tui vẫn sẵn sàng bán lẻ cho những bạn hàng mua từ nửa tấn quýt trở lên, bởi bán được giá cao hơn. Giá quýt hồng chưng tết năm nay có thể còn cao hơn giá 22.000 đồng/kg. Lý do là năm nay nhuần 2 tháng 6, quýt hồng ở Lai Vung chín sớm, bán trước. Nhưng chỉ cần bán giá này, gia đình tui cũng dư ăn tết lớn”, anh Thảo nói.
Anh Thảo tiết lộ: “2 năm trước gia đình tui mua thêm 2 ha đất, định mở rộng vườn quýt nhưng làm không xuể nên bỏ hoang. Bây giờ chi tiêu gì trong nhà đều nhờ trái quýt. 3 năm nay tui còn trồng xen cam sành, đang cho trái. Chất lượng quýt ở đây thì khỏi chê.
Quýt hồng chưng tết sẽ tô thêm vẻ đẹp của mùa Xuân - Ảnh: Thanh Thanh
Chỉ cần lựa những trái quýt không bị dập rửa sạch, để khô và chất vào đĩa, thì chưng 10 ngày tết cũng được. Quýt trồng ở đồng bằng có vị ngọt nhưng hậu nhạt. Còn quýt núi thì có vị ngọt và hậu mặn, mà chưng càng lâu thì ăn càng ngon”.
Có thể nói, từ nông dân tay trắng, bằng nghị lực và quyết tâm đổi đời mà ông Tùng trở thành tỷ phú vùng cao. Nhờ “chung thủy” với cây quýt hồng nổi tiếng mà nhiều năm quagia đình ông luôn rộn ràng đón tết. Với ý chí bền gan cùng sỏi đá, chắc chắn cha con ông Tùng sẽ còn làm nên những điều kỳ diệu khác trên đỉnh Thiên Cấm Sơn này.
Thanh Thanh