Trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo và những chuyện chưa bao giờ kể ở U.23 Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 06:42, 02/02/2018
Chào Khoa, anh có thể cho biết cơ duyên nào đưa anh đến với tuyển U.23 VN. Trước khi làm việc với ông Park anh đã từng tiếp xúc chưa? Anh làm trợ lý riêng cho ông Park hay cảvới hai trợ lý của ông ấy?
Trước đây tôi chưa từng tiếp xúc vối ông Park cũng như hai trợ lý của ông ấy. Chúng tôi biết nhau từ khi ông ấy qua đây.
Công việc của tôi không chỉ làm trợ lý cho ông Park và những trợ lý kia mà có thể nói tôi là trợ lý, là cầu nối cho 40 con người trong ban lãnh đạo đội bóng. Bởi họ muốn trong đổi gì với nhau, tôi cũng phải là cầu nối giữa hai bên.
- Nhiều người vẫn cho rằngvai trò của anh cũng rất quan trọng khi truyền tải những thông điệp, giáo án, kỷ luật, kỹ thuật cũng như những vấn đề khác mà ông Park muốn mang đến cho cầu thủ. Vậy, xin hỏikhi chuyển ngữ anh có dùng thêm những “chiêu” của mình để truyền tải để hai bên dễ hiểukhông?
Chiêu thì có, nhưng nguyên tắc của nghề phiên dịch là không được thêm và không được bớt những gì người khác muốn chuyển tải. Bản thân tôi thì chỉ phán đoán theo từng thời điểm, môi trường, tình huống, tâm lý… đang diễn ra để có cách dịch tốt nhất. Có câu cần tình cảm, có câu lại là kiểu mệnh lệnh, có câu thì lại là kiểu thuyết phục nhẹ nhàng, tất cả mọi thứ đều phải sẽ nương theo đó mà dịch cho phù hợp với tình hình. Nghề dịch là một nghề rấ dễ bị hiểu lầm, nguy hiểm và thậm chí là nhiều khi dễ mất lòng.
- Anh thường hay gọi HLV Park là “Ông già ghê gớm”. Nhưng theo tôi hiểu đó như mộtlời khen ngợi. Vì sao và từ đâu anh gọi ông ấy như thế?
Ông Park là một người cực kỳ lão luyện, tinh tế khi quản lý một đội bóng và cầu thủ. Ông đọc vị, nắm bắt được từng suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, cảm xúc của từng người hay của người khác. Có làm việc với ông ấy sẽ thấy những điều này. Mỗi buổi sáng, ông ấy luôn để ý xem các học trò mình hôm nay như thế nào qua tóc tai, tâm trạng, ăn uống, nét mặt ra sao. Mỗi buổi ăn, ông ấy ngồi ăn cùng nhưng luôn dùng mắt quan sát. Chỉ 3 tháng nhưng có lẽ kinh nghiệm của một HLV kỳ cựu đã giúp ông hiểu hết từng ngóc ngách của đội bóng.
Còn khi trên sân thì khỏi nói. Nhất là trên sân tập,ông ấy luôn để ý từng chi tiết nhỏ và bắt mọi cầu thủ chỉnh sửa cho đến khi hoàn chỉnh. Trong cách làm việc, ông ấy rất quyết liệt, nhanh nhẹn và luôn đặt kỷ luật lên hàng đầu. Tuy nhiên ông ấy cũng rất tâm lý và kinh nghiệm về trận mạc rất phong phú, rất già rơ kinh nghiệm.
Phiên dịch viên Lê Huy Khoa và thủ môn Bùi Tiến Dũng
Công việc của anh ở đội tuyển có nhiều không?
Trước khi chia tay, Trường có ký áo cho tôi và ghi dòng chữ tặng người hùng thầm lặng, tôi không dám nhận danh hiệu đó vì còn rất nhiều người và cầu thủ, họ mới chính là người hùng. Nhưngcông việc phiên dịch của tôi, lúc nào cũng phải dịch Việt Hàn. Trong nghề dịch, khó nhất là dịch đồng thời, nhưng trong bóng đá thì tốc độ cũng gần như là đồng thời.Dịch nhiều riết tôi bị stress và hầu như bữa ăn nào tôi cũng không thể ăn trọn vẹn, trong bữa ăn ông ấy trao đổi cũng khá nhiều nội dung, mọi chuyện. Thấy thế,ông Park kêu tôi nên ăn trước để có thời gian mà dịch. Tôi là người được đặc cách sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi vì công việc dịch của tôi, kể cả qua điện thoại .. luôn thường trực.
Trong quá trình làm việc, anh ở cùng phòng với ông Park và luôn gắn liền với ông ấy 24/24?
Tôi không ở cùng phòng ông ấy. Ông ấy cần không gian riêng để nghỉ ngơi và để suy nghĩ, tuy nhiên cả đội bóng luôn ở 1 tầng nên rất dễ gọi và khi có chuyện đột xuất ông ấy luôn gọi mình cũng như mọi người trong đội bóng. Tất nhiên là trừ thời gian ngủ tối, còn tôi thường hay ở cạnh ông nhất.
- Tính cách gì của ông Park mà anh nghĩ là điểm mạnh và các học trò có được những thể hiệntuyệt vời vừa qua?
- Đặc tính lớn nhất của ông ấy rất là cần cù, chăm chỉ, làm việc bất kể ngày đêm.Trước mỗi trận đấu, ông ấy gần như không ngủ và stress rất nhiều. Ông ấy luôn xem giáo án, nghiên cứu lối chơi từng đối thủ. Ngoài ra, ông ấy làm việc rất nhiệt huyết và kỷ luật. Đôi khi ông ấy nói chuyện, mình nghĩ ông ấy cứ như quát nạt vì ông nóng vội lắm, cũng như bao nhiêu người Hàn quốc thôi, thậm chí nhiều khi áp lực.
Ông ấy đặt ra kỷ luật và quân lệnh như sơn, ngay cả ông ấy sai cũng phải bị phạt. Mọi thứ ở đội tuyển đều luôn phải được quyết cho nhanh, gọn và luôn phải chính xác. Điều này đôi khi bản thân tôi cũng bị áp lực, mệt mỏi vì tôi là người trung gian.
- Là người sát cánh bên ông Park, có những điều gì ở ông ấy khiến anh cảm động hoặc không đồng tình? Người ta thuường nghĩ rằng người Hàn Quốc rất nóng tính, nhiều khi cố chấp, ông Park có phải là người như vậy?
- Gần đúng như thế, một lần là trong một buổi tập, khi trợ lý Lee đang hướng dẫn các cầu thủ và ông ấy nói một đoạn rất dài.
Trong khi tôi đang tập trung lắng nghe để dịch lại thì sau khi ông Lee kết thúc, ông Park lại nói thêm. Khi ấy, tôi đã quay sang nói với ông Park:
“Ông hãy để tôi dịch hết câu này rồi hãy nói tiếp. Ông nói liên tiếp như thế tôi nghe không kỹ thì sao dịch hết được”.
Nghe thế ông ấy nổi giận và nói rằngông ấy chịu trách nhiệm lớn nhất của đội bóng, tiếng nói ông ấy là quan trọng nhất. Ông Lee cũng là trợ lý, tiếng nói ông Lee chỉ có giá trị khi ông ấy ủyquyền.
Lúc đó, tôi cũng đã có cuộc tranh, một phần vì công việc dịch của mình, mộtphần cũng stress. Vậy mà đến cuối buổi tập, ông ấy lại mang câu chuyện này ra nói lần nữa và tôi cũng phải nói lại cho ông ấy hiểu rằngcông việc tôi là dịch, tôi có trách nhiệm truyền tải đầy đủ tất cả những gì hai bên muốn trao đổi. Cuối cùng thì sau đó mọi người cũng hiểu ra.
- Đối với các cầu thủ, ông ấy quan tâm như thế nào?
- Ông ấy như một người cha nghiêm khắc nhưng tình cảm. Sau khi thi đấu và tập luyện ông ấy rất vui vẻ và gần gũi với các cầu thủ.
Ông ấy có thể ôm hôn, xoa đầu, đùa giỡn với họ. Tôi nhớ buổi trưa trước trận bán kết, khi đang ngủ thì ông ấy gọi điện cho tôi và bảo cầm 100 USD và đi mua giùm ông ấy hai món quà sinh nhật.
Tôi biết hôm đó và hôm sau là sinh nhật của Công Phượng và Đức Huy. Dù rằng tuyết rơi đầy và không quen biết nhiều nhưng cuối cùng tôi cũng nhờ mua hai món quà cho Phượng và Huy. Nói như thế để thấy rằngông ấy dù rất nghiêm khắc, kỷ luật nhưng rất tình cảm.
Luôn bên cạnh cầu thủ
- Mấy ngày qua, ông Park khóc hơi nhiều, trong ngày thường ông ấy có thường rơi nước mắt? Trong những lần phiên dịch cho ông ấy mà ông ấy khóc, anh có bao giờ khóc theo?
Theo tôi biết, ông Park rơi nước mắt ba lần. Lần đầu là hình như sau khi đội vào tứ kết. Lần thứ hai là khi ông ấy họp báo và nhắc đến mẹ mình 97 tuổi đã đãng trí và lần thứ 3 là mới đây khi trả lời báo chí trong một lần trực tuyến. Đó là khi chúng tôi xem lại bàn thắng của Quang Hải ở trận chung kết. Khi Văn Thanh cào tuyết cho Quang Hải đá, còn Hải thì mặt đỏ lựng, nhìn lại cảnh các em cào tuyết, mặt đỏ ửng, màu áo đỏ lẫn với tuyết tôi chực rơi nước mắt, có lẽ ông ấy cũng cùng cảm xúc mà khóc theo. Đó là sự đồng cảm của những người cùng nhau đã chiến đấu trong suốt 50 ngày chăng?.
- Trong đội và cũng như sau khi tập luyện và thi đấu, anh vẫn phải theo ông Park mỗi khi ông ấy trò chuyện hay trêu đùa học trò hay họ tự trao đổi với nhau bằng tiếng Anh?
- Trong đội chỉ có Xuân Trường thỉnh thoảng trao đổi với ông Park bằng tiếng Anh. Ông Park nói tiếng Anh không nhiều lắm nhưng khi ông ấy nói tiếng Hàn thì Xuân Trường hiểu được, cậu ấy là cầu thủ thông minh.
Có một điều là tôi thấy rất tiếc cho Trường là cậu ấy không được Bằng khen Huân chương lao động hạng 3 như ông Park, Quang Hải và Tiến Dũng vừa qua. Bởi sự đóng góp của Trường trong đội bóng là rất lớn, tôi nghĩ 100% thành viên đội bóng U.23 chúng tôi đồng ý ý kiến này của tôi.
- Vì sao khi phiên dịch, anh cũng hét lên giống ông ấy. Ở trận chung kết, khi thua trận, các cầu thủ đổ xuống sân và khóc và khi ông Park nói chuyện, anh đã chuyển ngữ và hét lên:
"Chúng ta đã làm hết sức, tại sao phải cúi đầu?” đã làm cho các cầu thủ như tỉnh lại, còn nhiều khán giả quê nhà đã khóc. Điều này anh nghĩ mình cần chuyền tải hay ông Park yêu cầu?
Tôi chỉ dịch đúng cảm xúc của người nói thôi, câu nói ấy mang cảm xúc lớn nhất. Vừa là mệnh lệnh, lại là lời động viên, khuyến khích rất lớn. Bản thân tôi khi ấy cũng buồn và rất tiếc khi thấy mọi người xuống tinh thần, tôi cũng muốn chia sẻ và vực dậy họ. Khi ông Park đấm ngực, nói lớn tiếng như thế thì tôi cũng hét lên vì ngoài nghĩa vụ truyền đạt lời ông Park, tôi cũng muốn các em cũng như tôi và mọi người phải thật mạnh mẽ. Bởi chút nữa thôi, chúng ta lên nhận huy chương, không thể cho thấy hình ảnh cúi đầu đó được.
- Anh sẽ tiếp tục là trợ lý cho ông Park khi ông ấy làm việc ở VFF 2 năm hay chỉ làm việc khi đội tuyển U.23 hay tuyển VN tập trung?
Khi nào đội tuyển VN cũng như U.23 tập trung thì tôi cũng “tập trung” còn thời gian khi các cầu thủ về CLB thì tôi cũng sẽ trở lại công việc dạy học và dịch thuật của mình bình thường.
- Hiện tại, khi các cầu thủ đã trở về đội, anh có cảm thấy buồn không và cóđiều gì muốn nói?
- Các em trong đội như em của tôi nên tôi rất quý và hy vọng khi trở về CLB các em sẽ được phát huy tiếp những tài năng của mình.
Như chúng ta biết, các em ở độin tuyển U.23 đá hay như thế nhưng về CLB thì chưa chắc được ra sân va chạm nhiều. Như trung vệ Tiến Dũng một năm chỉ ra sân có 10 trận thì khó mà hay hơn được nữa. Hay thủ môn Bùi Tiến Dũng, cậu ấy là người hùng của đội tuyển nhưng ở CLB FLC Thanh Hoá thì chỉ bắt dự bị, và còn rất nhiều con người khác. Rất nhiều tài năng sẽ bị lãng phí nếu không được sử dụng trong thời gian tới.
Tôi cũng rất mong các mạnh thường quân khi hứa tặng thưởng cho các em thì nên giữ lời hứa và thực hiện sớm bởi nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, nhìn nhà họ sống, cha mẹ họ vất vả mà rơi nước mắt. Khi mà ngày Tết đang đến rất gần, hỵ vọng họ sẽ có được một cái Tết đủ đầy để tiếp tục cống hiến.
Tôi là người hâm mộ đi theo đội tuyển chứ không phải chuyên môn bóng đá, tôi chỉ muốn nói tôi yêu họ, rất yêu, họ là những chàng trai, một tập thể tuyệt vời mà tôi chưa từng gặp trước đó.
Khánh Tường