Mỹ bị phản ứng khi nói quân đội Venezuela có thể đảo chính
Quốc tế - Ngày đăng : 06:42, 04/02/2018
Ngày 1.2, trước khi lên đường, ông Tillerson làm khu vực Mỹ La-tinh dậy sóng, khi ông phát biểu tại đại học Texas để bảo vệ chính sách đối ngoại Mỹ đối với khu vực này hồi thế kỷ 19.
Ông nói bóng gió rằng quân đội Venezuela có thể thực hiện “một cuộc thay đổi chế độ” khỏi Tổng thống Maduro, nhưng nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Donald Trump không ủng hộ việc thay đổi chế độ hay bãi nhiệm Tổng thống Maduro.
Ông Tillerson viện dẫn Học thuyết Monroe năm 1823 (Mỹ-La tinh xem là cách bào chữa việc Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực) và nói quân đội ở các nước Mỹ-La tinh thường “xử lý” việc chuyển giao quyền lực từ những chính phủ tệ hại, nhưng ông nhấn mạnh ông không“cổ súy thay đổi chế độ”.
Ông Tillerson còn nói: “Dễ nhất là ông ấy tự nguyện từ bỏ quyền lực".
Ngày 2.2, ngay cả Mexico, đồng minh của Mỹ và không là bạn của Venezuela, cũng nói Mexico không ủng hộ bất kỳ giải pháp phi hòa bình nào cho Venzezula vốn đang lâm khủng hoảng chính trị- kinh tế.
Tại cuộc họp báovới hai người đồng cấp Mỹ và Canada (bà Chrystia Freeland), Ngoại trưởng Luis Videgaray nói Mexico sẽ không ủng hộ bất kỳ phương án nào có sử dụng bạo lực để giải quyết tình hình Venezuela: “Chính người Venezuela sẽ tìm ra một lộ trình hòa bình, một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”.
Ông Tillerson không nhắc lại lời ông nói tại Texas, nhưng lại kêu gọi ông Maduro phục hồi Quốc hội Venezuela (đang do phe đối lập nắm đa số) và tổ chức bầu cử tự do và công bằng.
Tổng thống Maduro, người kế nhiệm ông Hugo Chavez, đang tìm kiếm khả năng tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 4 tới. Phe đối lập ở Venezuela đã nhiều lần đưa ra yêu sách luận tội ông, trong bối cảnh đời sống xã hội ở quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này ngày càng khó khăn.
Đáp lại, Tổng thống Maduro cáo buộc Washington thèm khát tài nguyên dầu mỏ, đang âm mưu thay đổi chế độ và phá hoại nền kinh tế Venezuela.
Ngày 2.2, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino lên án lời bình luận của ông Tillerson, buộc tội Mỹ toan tính phá hoại dân chủ ở Mỹ La tinh và kéo khu vực này trở lại thời “đế quốc”.
Ông còn chuyến thăm Mexico-Argentina-Colombia-Peru và Jamaica của ông Tillerson nhằm kích động Mỹ-La tinh “can thiệp” chống lại chính phủ xã hội chủ nghĩa của Venezuela.
Đứng cạnh các sĩ quan cấp cao, Bộ trưởng Padrino tuyên bố “Quân đội kiên quyết bác bỏ những lời lẽ xấu xa nhằm tạo nên một hành động can thiệp nham hiểm”, trước khi ông tuyên bố chính thức ủng hộ Tổng thống Maduro. Tại cuộc mít-tinh sau đó, ông Maduro nói sẽ không bị khuất phục từ lời lẽ của Ngoại trưởng Mỹ.
Tổng thống Trump từng gợi ý can thiệp quân sự ở Venezuela, dù khu vực Mỹ-La tinh không chấp nhận. Ông đãra nhiều mức trừng phạt các cá nhân và kinh tế Venezuela, cáo buộc chính phủ Maduro vi phạm nhân quyền.
Theo Reuters, lãnh đạo quân đội cấp cao Venezuela luôn trung thành với ông Maduro, trong khi phe đối lập cáo buộc ông là độc tài và phá hoại nền kinh tế.
Hãng tin này khẳng định cũng có sự bất mãn trong quân đội, nhất là vì họ bị khó khăn về kinh tế. Đã có vài vụ nổi loạn nhỏ lẻ chống ông Maduro của lực lượng an ninh: một đại úy Vệ binh quốc gia chỉ huy tấn công vài đồn quân sự nhưng sau đó bị bắt.
Hoặc ví dụ vụ việc tay phi công trực thăng cảnh sát Oscar Perez năm ngoái lái trực thăng và ném lựu đạn xuống các cơ quan chính quyền trước khi bỏ trốn. Anh ta bị truy nã và bị tiêu diệt hồi tháng trước.
Bích Ngọc (theo Reuters)