Chuyện xứ miệt vườn: Nhận làm cha con, cùng biến trái cây thành ‘hàng độc’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:48, 06/02/2018
Người già: sau tất cả lại trở về nghề nông
Gần chục năm nay, thị trường cả nước mới quen dần với khái niệm trái cây tạo hình của nông dân miền Tây. Tuy nhiên, ít ai biết rằng từ ý tưởng đến những sản phẩm được tung ra là cả quá trình đầy mồ hôi, nước mắt của những người nông dân.
Mộttrong những người mở lối tiên phong cho trái cây tạo hình là ông Võ Trung Thành (63 tuổi) - Chủ tịch CLB Trái cây tạo hình của ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ông Thành nổi tiếng với các sản phẩm như bưởi, đào, tạo hình hồ lô, in chữ, bưởi Cát tường với hình 2 bàn tay ôm trọn trái bưởi, bưởi in hình bản đồ Việt Nam, bưởi thỏi vàng tài lộc, bưởi hồ lô tài lộc… rất được thị trường cả nước ưa chuộng.
Tết Mậu Tuất 2018, ông Thành cùng các nhà vườn ở Hậu Giang dự định tung ra thị trường hơn 6.000 sản phẩm bưởi, đào tiên tạo hình. Ông Thành cho biết, giá bán tại vườn từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái. Nhưng do năm nay khan hiếm nên giá thị trường đã lên cao nhất là gần 2 triệu đồng/trái.
Gần chục năm trước, sau những thất bại, ông Thành trở về nhà với gia tài là vườn bưởi xơ xác vì đã lâu không được chăm sóc. “Lúc đó chỉ còn biết bám vào bưởi chứ đâu biết làm gì nữa. Trước đó, tôi làm giáo viên tiểu học rồi bỏ ngang đi làm ăn. Thất bại thì chuyển sang đạp xe lôi, rồi xe lôi cũng bị cấm, tôi về nhà làm nông dân”, Ba Thành nhớ lại. Tài sản chỉ có vườn bưởi và số nợ hàng chục triệu đồng!
Ông Thành với sản phẩm bưởi tạo hình, in chữ của mình - Ảnh: Nguyên Thanh
Năm 2008, ra thăm vườn bưởi, ông Thành thấy 1 trái bưởi bị chẹt giữa 2 nhánh cây nhưng vẫn phát triển bình thường. Thấy lạ, ông Thành để vậy theo dõi. Đến lúc thu hoạch, thấy trái bưởi này bị nhánh cây chèn biến dạng nhưng màu sắc và chất lượng bên trong của quả thì không thay đổi. Một ý tưởng lóe lên trong đầu lão nông này, ông Thành ấp ủ tạo hình cho bưởi.
“Ban đầu tôi tạo những hình đơn giản như hình vuông, chỉ cần lấy cái hộp nhựa bao ngoài trái bưởi. Chờ bưởi lớn tháo ra thì trái bưởi đúng vuông thật nhưng nhìn không đẹp mắt. Tôi nghĩ ra hàng loạt những kiểu mẫu không giống ai, nhưng rồi cuối cùng tôi nghĩ hình hồ lô là đẹp nhất và “duyên” nhất”, ông Thành kể.
Ý tưởng đã có nhưng con đường thực hiện mới lắm gian nan. Với những hình thù đơn giản, ông Thành chỉ cần một vài chiếc hộp nhựa lớn nhỏ. Nhưng với tạo hình hồ lô, để có 1 chiếc khuôn đúng chuẩn không phải là việc dễ.
Ông Thành lang thang từ Hậu Giang lên Cần Thơ rồi ngược lên Sài Gòn đi tìm nơi có thể sản xuất những chiếc khuôn hình hồ lô như mình yêu cầu. Ròng rã gần 1 năm trời, chiếc khuôn nhựa đầu tiên mới được ông Thành thử nghiệm. Dù tạo hình vẫn chưa đạt yêu cầu, nhưng lão nông này đã có thể nhìn thấy triển vọng từ ý tưởng này.
“Thời gian này thấy tôi say mê với mấy trái bưởi quá, gia đình tôi ai cũng khuyên can. Chẳng ai tin tôi làm nên chuyện gì. Lúc này tôi có hoạt động trong hội khuyến nông của ấp, cũng không ai ủng hộ cả. Nhưng tôi thì trái ngược hoàn toàn, tôi có niềm tin mãnh liệt vào ý tưởng của mình”, ông Thành xúc động kể lại.
Trái bưởi hồ lô Tài lộc của ông Thành luôn được ưa chuộng qua các năm - Ảnh: Nguyên Thanh
Sau 3 năm nghiên cứu, năm lần bảy lượt sửa đổi, cải thiện khuôn sản phẩm. Những trái bưởi tạo hình hồ lô được ông Thành tung ra thị trường. Làng quê nghèo ở xã Phú Tân không ngớt bàn tán xôn xao: ông Thành lập nên kỳ tích. Mỗi trái bưởi bình thường chỉ có khởi điểm vài chục ngàn đồng, nay được tạo hình bán với giá vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng mỗi trái.
Ông Thành đem sản phẩm của mình đi triển lãm, dự thi ở nhiều hội thi và được đánh giá tốt, giải thưởng cao. Trước thành công đó, lão nông này quyết định đăng ký độc quyền sản phẩm của mình.
Với tính tình phóng khoángcủa nông dân miền Tây, ông Thành đem kỹ thuật bao nhiêu năm của mình truyền lại cho bà con trong vùng. Sau nhiều năm cố gắng, người dân ở ấp Phú Trí A, nói riêng và các nhà vườn ở xã Phú Tân nói chung đã thay đổi cuộc sống nhờ bưởi, đào tiên tạo hình.
Người trẻ: “Người khác làm được thì mình làm được”!
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Đồng Khởi, anh Huỳnh Thanh Tâm (32 tuổi, ở TT.Châu Thành, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre) từ nhỏ đã gắn bó với cây dừa. Nhìn thấy người thân chật vật sống bám vào cây dừa, anh Tâm luôn trăn trở với giấc mơ làm giàu.
Anh Tâm kể: “Năm 2004, lúc này tôi mới 18 tuổi. Một lần đọc báo thấy ở Nhật Bản có mẫu dưa hấu hình vuông. Người ta chỉ để trái dưa hấu vào 1 chiếc hộp hình vuông. Lúc trái dưa hấu lớn lên tự động tạo hình vuông. Tôi thấy đơn giản quá, như vậy thì mình cũng làm được”.
Sau khi học xong phổ thông, anh Tâm lên TP.HCM phụ người anh họ làm công việc in ấn quảng cáo. Thời gian làm việc ở thành phố, anh vẫn luôn nghe ngóng theo dõi tìm hình nông nghiệp, nhất là những loại trái cây độc lạ, giúp nông dân thoát nghèo. Thời gian này, anh vừa làm việc ở TP.HCM, đến mùa dừa, lại về quê phụ ông ngoại hái dừa đem bán.
Qua báo đài, anh biết đến ông Võ Trung Thành, người được xem như bậc thầy trái cây tạo hình ở miền Tây. “Ổng làm được thì mình làm được!”. Anh Tâm nhen nhóm ý định sẽ “làm gì đó” với trái dừa. Anh Tâm lấy lon sữa bò, đục bỏ đáy rồi lồng vào trái dừa non để thử nghiệm. Một thời gian sau, trái dừa lớn, anh cắt lon sữa ra thì phát hiện những đường gân trên lon sữa hằn lên trái dừa. Anh nảy ra ý định in chữ lên trái dừa.
“Tôi lấy ống nước rồi lồng chữ vào bên trong, rồi bao ống nước này ngoài trái dừa. Lúc gỡ ra thì chữ in lên được nhưng trái dừa thì bị kéo dài. Tôi đem những trái dừa thử nghiệm này tặng cho người quen thì được động viên nên tiếp tục nghiên cứu để in chữ lên trái dừa”, anh Tâm kể lại.
Để có những trái dừa in chữ chìm hoàn thiện như thế này, anh Tâm phải mất nhiều năm thử nghiệm mới thành công - Ảnh: Nguyên Thanh
Sau 3 năm nghiên cứu, làm hỏng hàng ngàn trái dừa, bị gia đình khuyên bỏ cuộc anh Tâm đã thành công với khuôn in chữ bằng inox. Nhưng anh chưa thực sự tự tin với sản phẩm của mình và không biết làm thế nào để quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường. 1 đêm buồn bã trong căn phòng trọ ỏ TP.HCM, anh Tâm bật radio và tình cờ nghe thấy ông Võ Trung Thành đang giao lưu với thính giả trên sóng radio về chủ đề trái cây tạo hình. Anh Tâmlập tức gọi vào số máy tổng đài để được trò chuyện với ông Thành.
“Tôi hỏi chú Thành về kinh nghiệm, kỹ thuật để tạo hình trái bưởi như thế nào. Thực ra, tôi muốn hỏi về trái dừa của mình, nhưng không biết bắt đầu thế nào. Cuối buổi giao lưu, tôi mới hỏi thẳng là trái dừa ở Bến Tre có thể in chữ, tạo hình hồ lô được không? Chú Thành nói là không được vì vỏ trái dừa quá xơ cứng. Tôi xin số điện thoại của chú để giao lưu sau này”, anh Tâm nhớ lại.
Có được số điện thoại của ông Thành, anh Tâm gửi những bức ảnh trái dừa in chữ của mình cho ông Thành. “Chú Thành ngạc nhiên lắm, vì chú không nghĩ là trái dừa cứng như vậy có thể in chữ được. Sau đó, tôi hay gọi điện cho chú Thành để học hỏi kinh nghiệm thêm. Trái dừa xiêm tạo hình hồ lô in chữ của tôi ngày càng hoàn thiện”, anh Tâm nhớ lại.
Tết năm 2016, anh Tâm tự tin tung ra thị trường hàng ngàn trái dừa in chữ và được thị trường đón nhận. Tết Mậu Tuất 2018 năm nay, anh Tâm dự định tung ra thị trường 2.000 trái dừa in chữ chìm, 5.000 trái dừa hồ lô in chữ, giá bán tại vườn từ 250.000-300.000 đồng/trái.
Từ khi ông Thành và anh Tâm quen biết nhau trên sóng radio, cả 2 ngày càng thân thiết, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và các ý tưởng về trái cây tạo hình. Mới đây, ông Thành nhận anh Tâm làm con nuôi.
“Tôi tên Thành, nó tên Tâm, 2 cha con hợp lại là Thành - Tâm rất có ý nghĩa. Nhiều lần trò chuyện với Tâm, chúng tôi có những nét tương đồng nên rất hiểu và thông cảm cho nhau. Tâm là đứa chịu khó và rất siêng năng làm việc. Nó sẽ còn tiến xa hơn nữa”, ông Thành vui vẻ.
Nguyên Thanh