Tổng thống Pháp thăm đảo Corsica đang đòi quyền tự trị
Quốc tế - Ngày đăng : 19:45, 06/02/2018
Theo báo Guardian, Tổng thống Macron sẽ trình bày “tầm nhìn Corsica” của ông trong một diễn văn, sau khi các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc thắng cử ở cuộc bầu cử địa phương, và hàng ngàn người dân đảo đã xuống đường hồi cuối tuần rồi, kêu gọi ông Macron trả lời về đề nghị đảo Corse được tự do hơn khỏi Paris.
Cho đến nay, phe chủ nghĩa dân tộc Corsica không đòi hoàn toàn độc lập, nhưng thúc đẩy đối thoại với Tổng thống Pháp để sửa Hiến pháp, nhằm có thể cho đảo hưởng một quychế đặc biệt với “quyền tự trị thật sự”.
Phe chủ nghĩa dân tộc Corsica còn đề nghị ân xá cho những tù nhân Corsica hoặc đang lẩn trốn sau thời gian gây bạo lực đòi độc lập. Họ cũng muốn ngôn ngữ Corsica được công nhận chính thức cùng với tiếng Pháp, và muốn hạn chế người dân ở các vùng khác thuộc Pháp mua nhà trên đảo.
Gần đây, 6 thành viên đảng Cộng hòa tiến bước (của Tổng thống Macron) ở Quốc hội Corsica đã theo phe đa số dân tộc chủ nghĩa, thông qua văn bản đề nghị Tổng thống Macron “mở cuộc đối thoại mà không kiêng kỵ gì”.
Trước đây, Tổng thống Macron từng nói sẵn sàng đối thoại, nhưng có vẻ ông ngưng đề cập khả năng sửa đổi Hiến pháp, bác bỏ quyền tự trị cho đảo Corsica. Nhưng ông chưa thể hiện rõ quan điểm của mình.
Ông Gilles Simeoni, lãnh đạo Corsica, cảnh báo Paris “đang chơi với lửa” khi bác các đề nghị của phe chủ nghĩa dân tộc, ám chỉ quá khứ gây bạo lực đòi độc lập trước đây.
Ngày 5.2, Chủ tịch Quốc hội Corsica, ông Jean-Guy Talamoni cảnh báo việc Paris “chối bỏ nguy hiểm và không thể hiểu nổi”, và nói kết quả bầu cử cho thấy cử tri rõ ràng xem Corsica là “một quốc gia, chứ không là một đơn vị hành chính”.
Điều đáng chú ý là Tổng thống Macron sẽ viếng mộ “chúa đảo” Claude Erignac, người bị quân ly khai bắn chết, lúc ông đang chuẩn bị đi dự một buổi biểu diễn ca nhạc ở Ajaccio (Pháp) năm 1998.
Đảo Corsica (tiếng Pháp là đảo Corse) có 330.000 dân, gần Ý hơn Pháp. Trước đây, nhiều Tổng thống Pháp phớt lờ đề nghị được tự trị của người dân đảo.
“Lực lượng giải phóng quốc gia Corsica” từng có 40 năm đánh bom, gây bạo lực nhắm vào các cơ sở hạ tầng Pháp. Chiến dịch này kết thúc năm 2014, khi cánh ly khai vũ trang này tuyên bố “chấm dứt các chiến dịch quân sự”.
Nhưng từ đó, các đảng theo chủ nghĩa dân tộc đòi quyền tự trị khỏi chính phủ Pháp, và họ đạt nhiều chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Phong trào dân tộc chủ nghĩa chống ưu thế chính trị-văn hóa Pháp trên hòn đảo mà Pháp sáp nhập năm 1768. Dù đảo Corsica là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi sinh của Hoàng đế Pháp Napoleon là một trong những vùng nghèo nhất Pháp, với dân số đông người già.
Vào lúc quốc tế chú ý những vấn đề địa phương đòi tự chủ, sau cuộc khủng hoảng vùng Catalonia đòi độc lập khỏi chính quyền Tây Ban Nha, cũng có sức ép chính quyền Pháp phải bàn khả năng nới lỏng việc kiểm soát đảo Corsica.
Vấn nạn Corsica khác với Catalonia: Corsica nghèo hơn, lệ thuộc nhà nước Pháp hơn vùng Catalonia lệ thuộc Madrid.
Bích Ngọc (theo Guardian)