Những điểm nhấn đáng nhớ về danh hiệu á quân của U.23 Việt Nam

Thể thao - Ngày đăng : 11:27, 07/02/2018

Giải vô địch U23 châu Á 2017 vừa kết thúc với chiến thắng vang dội của Việt Nam. Vang dội vì quá bất ngờ, vì trước đó chưa ai nghĩ tới.

Dù chỉ đạt á quân nhưng chiếc huy chương bạc cũng quá đủ để người hâm mộ ngất ngây hạnh phúc.

Các “chiến binh Sao Vàng” được xem là đội lót đường, bỗng hiên ngang loại "nhữngông kẹ" châu Ávà châu Đại dương rồi lẫm liệt vào tận chung kết và chỉ đánh rơi cúp vô địch vào phút 119, phút cuối của trận đấu với 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ. Một giải đấu mà đội tuyển Việt Nam đã để lại quá nhiều cảm xúc và chiếm trọn niềm tin của người hâm mộ.

NHỮNG KỶ LỤC CỦA GIẢI ĐẤU

Dù chỉ mới tổ chức từ 2013 nhưng vòng chung kết giải U23 châu Á năm 2017 đã xác lập được nhiều kỷ lục.

Giải đấu có thời tiết xấu nhất.

Đặc biệt là trận chung kết kỳ lạ. Mưa tuyết dày đặc, sân bóng phủ tuyết dày hơn tấc. Đá bóng mà cứ như trượt tuyết Bắc cực. Không chỉ khán giả, bình luận viên mà cả cầu thủ cũng không thấy bóng vì cùng màu với tuyết.

Đội Uzbekistan mặc trang phục trắng, ẩn hiện như ma nên hiệp 2 phải thay trang phục khác. Một trận đấu 2 màu áo là chuyện hy hữu chưa có tiền lệ. Hiệp 2, truyền hình trực tiếp cảnh dọn tuyết bằng tay gần 30 phút.

Giải đấu có ít khán giả đến sân nhất.

Sân nào cũng mấy chục ngàn chỗ mà chưa trận nào có lượng khán giả tới số ngàn, trừ mấy trận có đội chủ nhà Trung Quốc.

Càng vào sâu, giải càng vắng. Có trận, Ban tổ chức, huấn luyện viên, cầu thủ, người phục vụ, nhà báo đông hơn khán giả.

Cổ động viên Việt Nam luôn nổi bật, nhất là trận chung kết, lượng cổ động viên Việt Nam đến sân cổ vũ đội nhà gấp mấy chục lần đối thủ Uzbekistan.

Đội tuyển Việt Nam được khán giả nhớ nhất.

Vì các trận hòa và thắng đều bị xem là chiếu dưới. 3 trận liền phải vắt kiệt sức với 120 phút thi đấu, trong đó có 2 trận thắng liên tiếp nhờ sút luân lưu.

Bùi Tiến Dũng được xem là thủ môn vất vả nhất vì không ít lần từ chối bàn thắng, làm nản lòng các chân sút đối phương.

Trong 3 trận, phá được 4 quả phạt đền (có 1 quả ôm gọn), được công nhận là thủ môn xuất sắc nhất giải và góp mặt trong đội hình U23 tiêu biểu của châu Á.

Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng là 2 anh em ruột cùng thi đấu trong các trận kịch chiến từ vòng 1/16 đến trận chung kết.

Dù chưa vô địch, nhưng truyền thông và mạng xã hội Việt Nam áp đảo về số lượng bài viết lẫn người đọc, người xem.

Ít thì 5 - 7 bài, nhiều thì vài chục, có tờ còn ra riêng phụ bản với nhiều ngôn từ hoa mỹ. Tổng lượng bài viết và người xem của Việt Nam ước tính bằng các nước vào vòng 1/16 cộng lại.

Truyền thông các nước là những tờ báo và trang mạng thể thao, đưa tin chừng mực, kể cả quốc gia vô địch. Đó mới chỉ á quân châu lục U23, nếu vô địch thì hoặc á quân thế giới thì còn khủng nữa.

Nếu đội tuyển quốc gia Việt Nam mà vô địch châu lục hoặc thế giới thì không chừng đất nước nổ tung vì sướng. Các nước cũng không quan tâm nhiều đến giải đấu vì lượng cổ động viên quá khiêm tốn.

Giàu có như Qatar, họ có thể chở cả nước đi cỗ vũ chứ không loe hoe vài trăm người.

Người hâm mộ Việt Nam cũng ghi dấu với những hành vi xấu xí.

Đó là việc một số người lố bịch, cởi truồng cầm cờ chạy như điên loạn giữa đám đông. Hay mấy cô nàng khỏa thân, uốn éo khoe hàng trước bàn dân thiên hạ.

Vì nghi ngờ trọng tài Christopher Beath, người Úc thiên vị Irag và trọng tài Muhammad Taqi Aljaafari Bin Jahari người Singapore thiên vị Qatar, cư dân mạng Việt Nam đã “Thừa thiên hành đạo”, bất cần luật lệ và qui định của Ban tổ chức, tự đổi quốc tịch của họ, suy diễn, thậm chí tế sống và ném đá tới tấp.

Facebook của họ cũng phải khóa vì quá hoảng. May mà cuối cùng Việt Nam chiến thắng. Nếu thua, chưa biết cuyện gì sẽ xảy ra.

Tệ nhất là đám đông không chỉ ném đá mà còn đánh sập facebook của cầu thủ Andrey Sidorov số 11 Uzbeskitan vì “tội” ghi bàn vào lưới đội Việt Nam ở phút 119, chấm dứt giấc mộng vô địch của Việt Nam.

Không còn nghi ngờ gì nữa, bóng đá là một thứ “tôn giáo mới” ở Việt Nam với số lượng “tín đồ” cuồng nhiệt, phấn khích khổng lồ.

Thắng hay thua, đều tràn ra khỏi nhà reo hò, cổ vũ. Đến Brazil cũng chịu thua về mức độ và số lượng. Đội tuyển Việt Nam được thưởng khủng nhất mà chủ yếu là từ các doanh nghiệp.

Các nước, mức thưởng chủ yếu là của nhà nước. Đội tuyển được đón tiếp trọng thể như những người hùng (chưa phải là anh hùng), sáng giá hơn cả các nghệ sĩ vedette.

Nhiều hảo thủ các nước ganh tị với đồng nghiệp Việt Nam. Các danh thủ thế giới cũng không được ái mộ như vậy. Nghe đâu chuẩn bị có làn sóng tuyển thủ các nước đang tìm cách nhập quốc tịch Việt Nam, nơi bóng đá được hâm mộ và cầu thủ được tôn vinh nhất thế giới.

NÓI LẠI CHO CHÍNH XÁC

Không ít báo dùng từ “Thần kỳ”, “Lịch sử” để nói về thành tích của U23 Việt Nam. Thần kỳ là kỳ lạ, như có phép thần. Đúng là quá bất ngờ.

Các tuyển thủ chơi như lên đồng, ngày càng hay và chiến thắng nghẹt thở. Việt Nam thắng nhờ có đấu pháp hợp lý, có sự tư tin và tinh thần đồng đội.

Có cả chút may mắn, sự khinh suất của các đối thủ, sự xuất sắc của thủ môn và một số cầu thủ. Nhưng xem đội nhà thi đấu mà cứ mong hết giờ do yếu thế hơn đối phương, chờ thi sút 11m vì thủ môn mình giỏi hơn mãi cũng bớt hứng.

Bóng đá là cuộc chơi của cả tập thể chứ không chỉ mỗi thủ môn. Giải U23 châu Á chỉ mới bắt đầu từ 2013, chưa thể gọi là lịch sử,

Có báo nhấn mạnh “Lần đầu tiên Đông Nam Á có đại diện vào chung kết châu lục”. Xin thưa, đội tuyển quốc gia Myanmar từng á quân châu Á năm 1968; vô địch Asiad liên tiếp vào năm 1966 và 1970, danh giá hơn nhiều.

Ngay tại Sea Games lần thứ I vào năm 1959 tại Thái Lan, đội tuyển Việt Nam Công Hòa vô địch, từng giành hạng 4 Asiad liên tiếp vào năm 1956 và 1960 và vô địch giải Merdeka (tương đương giải châu Á lúc bấy giờ vì có cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, Ấn Độ...tham dự) vào năm 1966.

Thái Lan từng giành hạng 3 châu Á năm 1972, hạng 4 Asiad vào các năm 1990, 1998, 2002, 2018. Chưa kể 5 lần vô địch Asean và 16 lần vô địch Sea Games…

Như vậy để thấy thành tích của U23 Việt Nam vừa qua rất đáng trân trọng nhưng chưa thể gọi là thần kỳ, là lịch sử. Uzbekistan cũng được xem là đội yếu nhất bảng, cũng thua trận đầu tiên và đi một mạch đến vô địch.

Hơn thế, họ đã lật đổ knockout đương kim vô địch Nhật Bản 4 bàn trắng và vùi dập á quân Hàn Quốc 4 - 1 nhưng cũng không ầm ĩ như Việt Nam.

Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Quang Hải được chọn vào đội hình tiêu biểu của U23 châu Á cũng đáng tự hào nhưng Bùi Tiến Dũng chưa thể sánh với “Lưỡng thủ vạn năng”, “Đệ nhất thủ môn châu Á” Phạm Văn Rạng (1934 - 2008).

19 tuổi ông đã là tuyển thủ quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa, thông thạo tiếng Pháp. Năm 1966, ông là thủ thành của đội bóng “Asia Stars” thắng CLB Chelsea (Anh) 2 - 1.

Quang Hải cũng chưa thể sánh với Phạm Huỳnh Tam Lang (1942 – 2014). 18 tuổi đã là tuyển thủ quốc gia. 24 tuổi là thủ quân đội tuyển của Việt Nam Cộng Hòa, vô địch cup Merdeka năm 1966. (Huấn luyện viên đội tuyển lúc đó là Karl HeinzWeigang (1932 - 2017).

Năm 1994 ông trở lại Việt Nam với 2 danh hiệu, á quân Sea Games 1995 và hạng 3 Tiger Cup 1996). Cùng với Đỗ Thới Vinh, Tam Lang có mặt trong đội hình các “Ngôi sao châu Á”.

Ông đã làm thay đổi khái niệm "quần đùi áo số", là thần tượng của nhiều giới qua nhiều thế hệ vì phẩm chất ông để lại trên sân cỏ lẫn dạy dỗ nhiều lớp cầu thủ… Ông là một hậu vệ tài hoa, một trung vệ thép, thi đấu rất quyết liệt, hiệu quả nhưng không phạm luật; rất thư sinh với màu áo trắng tuyền ít lấm lem bùn đất và mái tóc chải chuốt…

MẤY CHUYỆN BÊN LỀ

Khi biển người đổ ra đường cổ vũ, ăn mừng chiến thắng và đón đội tuyển về nước, cũng có chút bực dọc của một số người.

Vì kẹt xe nên không thể đúng hẹn làm việc, gặp gỡ khách hàng, giao hàng cho đối tác, hàng hóa bị hư hỏng… Có người còn chi li tính toán công sức bỏ ra và cho là lãng phí.

Rồi va quệt, tai nạn giao thông, trộm cướp… Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn nhiều. Từ việc kinh doanh, buôn bán, dịch vụ, những bài học về ý chí, tinh thần đồng đội, về quản trị, về vai trò của người đứng đầu…

Đặc biệt là niềm vui ngất ngây của người hâm mộ vì “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Thành tích của U.23 đã mang niềm vui rạo rực Xuân sớm cho người Việt.

Cuộc sống luôn có 2 mặt vui - buồn, nụ cười thường đi kèm nước mắt. Khi Việt Nam cười thì các đối thủ bị loại khóc. Khi Việt Nam khóc thì Uzbekistan cười.

Nhìn cảnh ban huấn luyện thẫn thờ, cầu thủ và người hâm mộ Việt Nam khóc, còn Uzbekistan hớn hở reo hò mà chạnh lòng, dù họ chỉ reo mừng vừa phải.

Đọc danh sách tiền thưởng khủng mà chạnh lòng nhớ tới “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng và những năm cơ cực sau 1975. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ông có căn nhà cấp 4 xiêu vẹo cho đến cuối đời.

Những cống hiến hết mình của đội U23 Việt Nam rất đáng trân quí. Họ xứng đáng là những người hùng trên sân cỏ. Xin đừng gọi các em là NHỮNG ANH HÙNG.

Cả gia đình cho đến các em chẳng ai muốn được gọi như vậy. Hãy để các em sống bình thường và khiêm tốn như lâu nay.

Đừng bắt các em lên mây. Dù đã là người nổi tiếng, các em vẫn muốn không bị phân biệt đối xử khen chê. Những tình cảm tốt đẹp của người hâm mộ bóng đá sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khoa học, xã hội, kinh tế, quản lý với những phát minh giúp đất nước thoát kiếp nghèo “bền vững” hiện nay.

Hàng triệu triệu ANH HÙNG đã hy sinh cả cuộc sống của mình để bảo vệ tổ quốc từ bao đời nay. Gần đây là hàng chục ngàn liệt sĩ của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Họ nằm xuống nhưng người thân của họ vẫn còn đó. Hàng chục ngàn người khác đã hy sinh một phần thân thể, bị thương tật và bệnh hoạn cũng rất cần được chia sẻ. Đó mới chính là những ANH HÙNG của dân tộc.

Sau niềm vui vỡ bờ, cuộc sống trở lại bình thường, điều mọi người đang quan tâm là Việt Nam sẽ tận dụng như thế nào những thành tích và cả bài học quí của U23 cho tương lai bóng đá nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

NGUYỄN VĂN MỸ

NGUYỄN VĂN MỸ