Chỉ nên kỳ vọng Mỹ quay trở lại TPP trong dài hạn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:31, 08/02/2018
Một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm đầu năm 2018, đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP-11 sẽ được ký kết chính thức vào ngày 8.3.2018 tại Chile. Dù không có sự tham gia của Mỹ, nền kinh tế quan trọng nhất trong số 12 nước thành viên TPP trước đó, thì đây vẫn là một hiệp định thương mại đóng vai trò quan trọng và thậm chí là định hình nền kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới. Vì thế, việc Tổng thống Donald Trump mới đây đã ngỏ ý Mỹ có thể sẽ quay trở lại tham gia hiệp định này với một số điều chỉnh đang được đánh giá có thể tạo ra những tác động lớn đối với quá trình ký kết chính thức của TPP-11. Đã có những ý kiến đề nghị tạm trì hoãn ký kết chính thức để xem xét khả năng quay trở lại của Mỹ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khôn ngoan hơn cả là chỉ nên kỳ vọng sựtrở lại của Mỹ trongdài hạn mà thôi.
Đối với nhiều người, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố để ngỏ khả năng Mỹ quay trở lại tham gia TPP tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vào tháng trước giống như một sự tráo trở. Cách đây 1năm, khi vừa mới chính thức nhậm chức tổng thống, ông Trump đã ký lệnh rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại quan trọng này với những cáo buộc nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ mà theo ông Trump là đang bị đe dọa bởi tình trạng thâm hụt thương mại và giảm sút công ăn việc làm. Và giờ đây, khi 11 nước thành viên còn lại của TPP phải mất rất nhiều công sức trong suốt 1năm qua để đi đến thống nhất với nhau sau sự ra đi của Mỹ, thì ông Trump lại ngỏ ý muốn quay trở lại TPP với một số điều chỉnh có lợi cho Mỹ. Theo một góc độ nhất định, đó có thể là một đề xuất khá khiếm nhã và gây ác cảm.
Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn hợp logic nếu nhìn vào những gì ông Trump và đội ngũ lãnh đạo của Chính phủ Mỹ đang thực hiện. Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Trump là làm giảm thâm hụt thương mại của nền kinh tế Mỹ thông qua đàm phán lại các hiệp định thương mại cũ và thiết lập các thỏa thuận mới theo hướng có lợi cho Mỹ, chủ yếu là cho hàng xuất khẩu Mỹ. Trong Thông điệpLiên bang tuần trước, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ cải thiện những hiệp định thương mại chưa tốt và đàm phán thêm những hiệp định mới”. Trong đó, quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico đã bắt đầu, và trong tháng 2.2018 sẽ là vòng đàm phán lại về Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn.
Việc ngỏ ý quay trở lại TPP nếu hiệp định được điều chỉnh lại theo hướng có lợi cho Mỹ vì thế không có gì trái ngược với logic trên. TPP vẫn là một trong những hiệp định thương mại có quy mô và tầm quan trọng hàng đầu trên thế giới, và nếu như được điều chỉnh để đem lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ, thì không có lý do gì mà chính phủ của ông Trump không quay trở lại. Chưa kể, khả năng TPP-11 mở rộng từ 11 thành viên lên con số 16 trong tương lai gần cũng là rất lớn, khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines đang thể hiện mong muốn tham gia. Nếu điều này trở thành sự thật, thì TPP-16 sẽ là một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, và sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho một nền kinh tế lớn như Mỹ.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu cho rằng Mỹ sẽ quay trở lại TPP trong tương lai gần. Giữa việc Tổng thống Donald Trump ngỏ ý quay trở lại với việc Chính phủ Mỹ thực sự có ý định đó và bắt tay vào thực hiện là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trước hết, có thể thấy Chính phủ Mỹ đang ưu tiên tập trung đàm phán các hiệp định thương mại đã có hiệu lực và có số thành viên tương đối hạn chế, điển hình là NAFTA (bao gồm Mỹ, Canada và Mexico) và các hiệp định thương mại tự do song phương, như với Hàn Quốc. Đàm phán các hiệp định thương mại quy mô lớn và có nhiều thành viên như TPP sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, có thể không phải là ưu tiên của chính quyền Donald Trump ở thời điểm hiện tại. Việc ngỏ ý quay trở lại TPP của ông Trump ở Davos vừa qua chỉ nên hiểu như một sự đề xuất về lâu dài, khi nào Chính phủ Mỹ cảm thấy thích hợp và thuận tiện mà thôi.
Chưa kể, việc đàm phán lại TPP-11 ở thời điểm hiện tại đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo là không nên, khi tiềm ẩn nhiều hệ quả tiêu cực. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức trong suốt một năm qua, 11 nước thành viên còn lại của TPP mới đi đến thống nhất giữ nguyên bộ khung các quy định chủ chốt nhất, với kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, toàn diện và tiến bộ. Nếu đàm phán lại ở thời điểm hiện tại theo hướng sửa chữa để có lợi cho Mỹ thì không chỉ có thể phá vỡ kỳ vọng về một thỏa thuận chất lượng cao, mà còn khiến không ít nước thành viên chán nản và thất vọng, có thể khiến TPP-11 thậm chí đi đến đổ vỡ hoàn toàn.
Vì thế, sẽ khôn ngoan hơn nếu ký kết chính thức TPP-11 vào tháng 3 tới tại Chile trong khi vẫn để ngỏ và chờ đợi sự quay trở lại của Mỹ. Có nhiều lý do để tin rằng nước Mỹ có thể sẽ chỉ quay trở lại với TPP về dài hạn mà thôi. Như đã nói, chiến lược của Tổng thống Donald Trump là làm giảm thâm hụt thương mại và tạo thêm việc làm bằng cách đàm phán lại các hiệp định thương mại, và nhất là lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ trở về thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 1.2018). Nói cách khác, ông Trump muốn biến Mỹ trở thành một trung tâm sản xuất và tạo thặng dư thương mại bằng cách gia tăng xuất khẩu những hàng hóa đó thông qua chỉnh sửa các thỏa thuận với các đối tác thương mại chủ chốt. Để quá trình này bắt đầu đem lại kết quả sẽ mất không ít thời gian. Một khi Mỹ đã trở thành một trung tâm sản xuất và cường quốc xuất khẩu theo như mong muốn của ông Trump, thì tự khắc Mỹ sẽ muốn tham gia các hiệp định thương mại đa phương có quy mô lớn như TPP để tìm kiếm lợi ích, chưa kể khi đó yêu cầu đòi hỏi lợi ích của Mỹ cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Nhàn Đàm