NATO tìm cách xoa dịu căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Quốc tế - Ngày đăng : 18:53, 12/02/2018
Theo The Wall Street Journal, hai nước đã tiến rất gần đến một cuộc xung độtquân sự trực tiếp. Giận Mỹ ủng hộ nhóm dân quân người Kurd, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố, chính quyền Ankara đã mở chiến dịch “Cành ô liu” tấn công nhóm này tại Afrin thuộc Syria và dọa sẽ truy quét dân quân Kurd ở các nơi khác. Đây đều là những nơi có sự hiện diện của các lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ.
Căng thẳng lại bị đẩy lên cao khi giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời các quan chức giấu tên cáo buộc Mỹ tài trợ cho nhóm người Kurd tên lửa được dùng để giết chết 5 binh sĩ Thổ vào ngày 3.2.
Hiện Ankara đã tăng cường hợp tác quân sự với Moscow, đối thủ chính của khối NATO. Va chạm với Washington có nguy cơkhiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây truyền thống thêm xấu, đồng thời đưa nước này vào tầm ảnh hưởng của Nga. Ông Faruk Kaymakci, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên minh châu Âu (EU), cho biết: “Các đồng minh ngày càng ít hợp tác với chúng tôi, chúng tôi càng phải hợp tác với các thế lực khác trong khu vực. Điều này buộc chúng tôi xích lại gần hơn với Nga và Iran”.
Washington và Ankara cũng đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Cuối tuần qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ và gặp ông Ibrahim Kalin, trưởng cố vấn chính sách đối ngoại kiêm người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Hai bên đã tái khẳng định quan hệ chiến lược dài hạn và trao đổi ý kiến về tiến triển trong khu vực.
Sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng sẽ sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần này.
Đặc biệt, cuộc họp Các bộ trưởng Quốc phòng NATO trong hai ngày 14-15.2 tới cũng là cơ hội tốt để hai bên ngồi lại giải quyết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khi đến tham dự có thể hội kiến người đồng cấp bên phía Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức NATO mô tả khối này như “bàn làm bếp, nơi bạn có thể bàn luận mọi thứ và giữ cho gia đình gần lại với nhau”.
Các nhà ngoại giao đồng minh cho biết Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có những ưu tiên chiến thuật khác nhau, xung quanh mối liên hệ giữa lực lượng YPG với Đảng Công nhân người Kurd PKK (nhóm ly khai được cho đã gây ra hàng ngàn cái chết ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984, được nước này liệt vào khủng bố) cũng như nghi vấn Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng cho nhóm này.
Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, vấn đề này có khả năng được giải quyết vì cả hai nước cùng chia sẻ một tầm nhìn chung về Syria và khu vực. Đó là giữ cho Syria được nguyên vẹn và phế truất Tổng thống Bashar al-Assad.
Cẩm Bình (theo The Wall Street Journal)