Trung Quốc dùng Pakistan để trị bộ tứ Mỹ-Ấn-Nhật-Úc
Quốc tế - Ngày đăng : 03:41, 14/02/2018
Trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, Mỹ đã cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc lập nên Đối thoại an ninh bốn bên, qua đó lập nên “Bộ tứ” liên minh đối phó với Trung Quốc. Các thành viên của bộ tứ đã công khai tuyên bố đóng góp vào việc ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực và cạnh tranh với nỗ lực tăng cường quan hệ với láng giềng của quốc gia này.
Cụ thể, Úc và Nhật cam kết thúc đẩy công tác tuần tra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, còn Ấn Độ, nước tìm kiếm vị thế cường quốc lớn hơn ở Ấn Độ Dương, cũng tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với hành động hung hăng của Trung Quốc tại biên giới hai nước.
Theo Global Research, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược phá chính sách của bộ tứ này. Kiềm chế Ấn Độ bằng cách phát triển quan hệ với Pakistan là một trong những biện pháp nằm trong chiến lược này.
Để siết chặt hơn nữa quan hệ Bắc Kinh-Islamabad, Trung Quốc thúc đẩy hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quan trọng khắp Pakistan. Những dự án này nằm trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một mạng lưới đầy tham vọng kết nối cảng Gwadar của Pakistan trên biển Ả Rập với biên giới Trung Quốc-Pakistan gần khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Với đường sắt và đường sá được xây dựng, Bắc Kinh có thể tiếp cận biển Ả Rập mà không cần đi qua Singapore và eo biển Malacca. Không những vậy, CPEC còn cung cấp một đường ống dẫn khí đốt từ Gwadar đến Nawabshah, nơi được cho phép nhập khẩu khí đốt từ Iran. Ngoài CPEC, nhiều nhà máy điện cũng được Trung Quốc xây dựng tại Pakistan. Tất cả những dự án trên khiến quan hệ trong các ngành nghề, đơn vị và thậm chí quân sự hai nước đều phát triển vượt bậc.
Cả hai đều có chung mối quan ngại về tình trạng đòi li khai. Với Trung Quốc là ở Tân Cương và tại Pakistan là tỉnh Balochistan. Đặc biệt, các phong trào đòi li khai hoạt động ở Balochistan đang xem các dự án mà Trung Quốc triển khai ở Pakistan là mục tiêu tấn công. Điều này càng khiến Bắc Kinh-Islamabad hợp tác quân sự chặt chẽ.
Hợp tác quân sự Trung Quốc-Pakistan là lời đáp trả hoàn hảo cho ý định dùng Ấn Độ chống Pakistan của Washington. Islamabad và New Delhi đã duy trì mối quan hệ đầy xung đột trong hàng thập kỉ, nhưng những cuộc xung đột đều không kéo dài vì cả hai đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn đáng gờm và lực lượng quân đội lớn gây thiệt hại lớn nếu giao tranh nghiêm trọng diễn ra.
Thông qua các chương trình cùng phát triển vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh đảm bảo Pakistan duy trì được thế cân bằng về quân sự với người láng giềng Ấn Độ, cũng như thế cân bằng quyền lực tại Nam Á.
Trong mối quan hệ này, Islamabad phát triển được nền kinh tế, tạo được nhiều việc làm dài hạn từ các dự án cơ sở hạ tầng, có thể đối trọng với New Delhi. Trong khi đó, Bắc Kinh không chỉ tiếp cận được biển Ả Rập mà còn có thể phát triển kinh tế Tân Cương. Đặc biệt, quan hệ tốt với nước sát bên Ấn Độ đem lại nhiều lợi thế cho Trung Quốc khi đối đầu với quốc gia Nam Á trên mặt trận ngoại giao.
Tạp chí Politico trong năm 2017 từng đánh giá quan hệ Trung Quốc-Pakistan đủ sức kiềm chế Ấn Độ, và rộng hơn là kiềm chế nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ.
Thế khó cho bộ tứ
Sự thống trị của Mỹ ở châu Á được xây dựng bằng chênh lệch kinh tế giữa nước này với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khi Trung Quốc cùng nhiều cường quốc khu vực khác trỗi dậy, chênh lệch này đang giảm dần, và sự thống trị của Washington cũng vậy.
Mỹ đã có nhiều nỗ lực cạnh tranh với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhưng hầu hết đều thất bại. Trong khi đó, phong trào đòi li khai đang gây bất ổn ở Pakistan là cơ hội để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.
Các thành viên khác của bộ tứ, bao gồm Nhật, Úc và Ấn, đều được giao những nhiêm vụ riêng lẻ và có thể phải trả giá cao về ngoại giao lẫn kinh tế khi cố hoàn thành chúng. Theo Global Research, những xung đột mà bộ tứ dùng để ngăn chặn Trung Quốc sẽ có khả năng gây tổn hại cho toàn khu vực.
Cẩm Bình (theo Global Research)