Từ ấy, vang lên 'Mùa xuân đầu tiên'
Văn hóa - Ngày đăng : 08:12, 18/02/2018
Mừng mùa xuân đầu trên đất nước thống nhất
Nhắc đến “Mùa xuân đầu tiên” là nhắc đến niềm hưng phấn bất tận bởi ca từ, giai điệu mà nó mang lại... Nhưng ít ai ngờ ca khúc này có được chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc như hôm nay, nó đã trải qua gần 10 năm “sóng gió”.
Nhạc sĩ Văn Thao - con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao đã từng chia sẻ, đây là tác phẩm mà nhạc sĩ Văn Cao viết trở lại sau 20 năm ngừng sáng tác. Điều thôi thúc ông sáng tác chính là sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30.4.1975. Hôm đó, nghe tin đất nước hoàn toàn thống nhất, trong khi nhà nhà rộ lên tiếng reo vui thì Văn Cao im lặng...
“Ông im lặng nhưng đôi mắt sáng lấp lánh. Trong ông có một điều gì đấy đang trào lên. Từ hôm đó, tâm trạng ông khác hẳn...
“Tôi vẫn còn nhớ ngày hôm đó, một ngày giáp tết năm 1976. Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà số 108 phố Yết Kiêu... Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu valse. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.
Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào, âm vang đầy ắp căn phòng... Tôi hỏi ông, lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này. Giai điệu đẹp quá. Bài mới sáng tác của bố đấy à? Ông trả lời tôi: Bố sáng tác này mừng Mùa xuân đầu trên đất nước mình thống nhất”.
Theo lời nhạc sĩ Văn Thao, “Mùa Xuân đầu tiên” đem đến cảm xúc êm dịu mát lành nhưng sau nó là những chiêm nghiệm đớn đau về lịch sử, về thân phận đất nước và con người... Cuối năm 1976, “Mùa xuân đầu tiên” được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhưng rồi nó bị người ta lãng quên.
Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong năm 1976 ấy “Mùa xuân đầu tiên” đã được in ở Liên Xô và họ trả nhuận bút cho tác giả 100 rúp.
Và 20 năm sau...
Mãi hai mươi năm sau, “Mùa xuân đầu tiên” mới được trong nước dàn dựng và phát sóng. Từ đó đến nay “Mùa xuân đầu tiên” ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích.
Ca sĩ Ánh Tuyết - người thể hiện thành công nhiều ca khúc của Văn Cao, cũng từng thắc mắc không hiểu lý do vì sao ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” lại không được đón nhận rộng rãi ngay khi nó vừa ra đời: “Từ năm 1983, khi đêm nhạc đầu tiên của Văn Cao được tổ chức tại TP.HCM, bản “Mùa xuân đầu tiên” vẫn chưa được biểu diễn. Sau đó khoảng năm 1990 gì đó, có vài người hát nhưng chưa được đón nhận rộng rãi... Chỉ sau khi tác giả qua đời, nghĩa là sau 1995, “Mùa xuân đầu tiên” mới được phổ biến. Tác phẩm lớn đôi khi ra đời thường có số phận lạ lùng như vậy”.
Bản thân nhạc sĩ Văn Cao khi được hỏi về sự lận đận của “đứa con tinh thần” đã từng nói: “Mùa xuân đầu tiên là lời hoan ca về ngày sum họp. Hai mươi mốt năm chia cắt, bà con mình hai ngả Bắc Nam, nỗi đau ấy lớn lắm, không bút nào tả nổi... Và tôi viết bản nhạc ấy như một lẽ tự nhiên. Âm nhạc và ca từ dào dạt như chảy từ trái tim...”.
Nhà báo Tân Linh cho rằng: Với “Mùa Xuân đầu tiên”, Văn Cao đã trở lại với âm nhạc sau gần ba mươi năm làm nốt lặng giữa cuộc đời. Và một ngày nọ sau khi đất nước thống nhất, không kìm lòng trước niềm hân hoan rạo rực của đất trời và muôn người, không thể dửng dưng trước niềm vui và những trăn trở của lòng người ngày toàn thắng, ông đã viết lòng mình theo một cách riêng. Không reo vui mang tính chất hùng ca như những ca khúc thời ấy, mà lắng đọng, thiết tha, mà sâu sắc và xúc động lòng người. Văn Cao đã đặt giữa cuộc đời một điệu valse nhẹ nhàng, tình cảm...
Theo Huy Hoàng/Dân Việt