5 nét văn hóa Hàn Quốc khiến du khách phương Tây ‘bối rối’

Du lịch - Ngày đăng : 10:45, 21/02/2018

Văn hóa Hàn Quốc là một trong những chìa khóa thu hút khách du lịch đến trải nghiệm xứ sở Kim Chi. Tuy nhiên không phải ai trong số khách du lịch cũng hiểu rõ.

Thế vận hội mùa đôngPyeongchang 2018 diễn ra từ 9 đến 25.2 đang thu hút một lượng lớn khách du lịch từ mọi miền trên thế giới đến với Hàn Quốc. Tưởng chừng nền văn hoá Hàn Quốc đã quá quen thuộc với không chỉ những quốc gia trong khu vực mà cả các châu lục khác nhờ vào làn sóng Hallyu hơn thập kỷ qua, nhưng khi đến với đất nước này, không phải ai cũng biết về những nét văn hóa đặc trưng của xứ Kim Chi. Trang ELLE Man giới thiệu đến bạn 5 nét văn hóa còn lạ lẫm đối với khách du lịch, đăc biệt là các nước phương Tây khi đến thăm “xứ sở Kim Chi”.

1. Văn hóa hỏi tuổi

Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản, văn hoá Hàn Quốc rất quan trọng thứ bậc và cách xưng hô. Đối với những nước phương Tây, hỏi tuổi được cho là bất lịch sự nhưng khi gặp người Hàn câu đầu tiên người ta sẽ hỏi: “Bạn sinh năm bao nhiêu?” là chuyện vô cùng bình thường. Tùy vào độ tuổi bạn trả lời họ sẽ có cách xưng hô và cư xử đúng mực.

2. Văn hóa cúi chào

Trong khi các nước phương Tây thường chào hỏi bằng cách bắt tay, thơm má thì trong văn hoá Hàn Quốc, người Hàn thể hiện sự tôn trọng người đối diện bằng cách cúi chào. Việc cúi đầu chào hỏi là thói quen của người Hàn Quốc và nghi thức dành cho việc cúi đầu chào hỏi của người Hàn được hình thành một cách rất tự nhiên. Đôi khi những người nước ngoài tới sinh sống và học tập tại Hàn Quốc cảm thấy bổi rối vì không biết phải cúi chào như thế nào và vào lúc nào.

Trong chào hỏi hằng ngày người Hàn Quốc thường cúi chào 15 độ, trong kinh doanh khi gặp mặt đối tác làm ăn người Hàn QUốc cúi chào 45 độ thể hiện sự trang trọng hơn và đặc biệt khi người Hàn Quốc cúi gần như 90 độ, đó sẽ là hành động thể hiện sự “xin lỗi sâu sắc”.

Cúi đầu trong văn hoá Hàn Quốc đơn giản chỉ để thể hiện lòng kính trọng của mình đối với người khác (một người lớn tuổi hơn hoặc người có địa vị cao hơn mình trong giao tiếp hàng ngày). Tuy nhiên bạn sẽ hiếm khi thấy những người bạn thân cúi đầu với nhau trừ khi khoảng cách tuổi tác của họ cách xa hoặc họ đang ở những nơi công cộng, trang nghiêm. Thay vào đó, ngày nay việc vẫy ta chào với bạn bè, đồng nghiệp đang dần trở nên quen thuộc và phổ biến hơn trong văn hóa chào hỏi ở Hàn Quốc.

3. Quy tắc trên bàn ăn

Ở Hàn Quốc có rất nhiều quy tắc, lễ nghĩa mà bạn cần phải biết khi giao tiếp với người Hàn. Quy tắc trong ăn uống cũng khá quan trọng, nó đánh giá bạn có phải là người biết lễ nghĩa hay không. Một bữa ăn Hàn Quốc điển hình sẽ ăn bằng một đôi đũa và một chiếc muỗng kim loại. Khi ăn bạn lưu ý không được dựng đũa thẳng đứng trong bát, đây được xem là điều cấm kị. Hành động đó thường được dùng để cúng cơm cho người chết.

Người Hàn Quốc khi ăn sẽ không cầm thìa và đũa cùng lúc bằng một tay: Trong bàn ăn của người Hàn Quốc, bạn chỉ được sử dụng một trong hai dụng cụ này khi ăn. Với thìa thì thường được dùng với cơm và canh. Khi bạn dùng thìa thì đặt đũa trên bàn ăn và ngược lại, đặt thìa, đũa trên đĩa hoặc bát.

4. Tốc độ ăn trên bàn phụ thuộc vào các bậc trưởng bối

Trong văn hoá Hàn Quốc, để thể hiện sự tôn kính của bậc trưởng bối, trong bàn ăn khi người lớn tuổi ăn mọi người còn lại mới được phép ăn. Một điều gây ngạc nhiên cho người nước ngoài là việc mọi người phải ăn theo tốc độ của người lớn. Người Hàn Quốcthường giữ tốc độ ăn cùng với người lớn tuổi bởi sẽ thật bất lịch sự nếu một thành viên nào ăn xong trước người lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó, khi người lớn tuổi chuẩn bị ăn xong, bạn cũng nên ăn nhanh hơn một chút. Nếu ăn xong trước người lớn thì bạn đặt thìa trong bát cơm và đặt thìa xuống bàn khi người lớn đã ăn xong.

5. Quy tắc trên bàn nhậu

Khi uống rượu với những người bề trên, người lớn tuổi thì những người nhỏ tuổi hơn phải quay người sang một phía và che miệng khi uống để thể hiện sự tôn trọng với người trên.

Theo Nhật Lệ/Elleman/Businessinsider

Elle