Thủ tướng Úc MalcolmTurnbull: 'Trung Quốc không là mối đe dọa đối với Úc'

Quốc tế - Ngày đăng : 17:05, 22/02/2018

Trước khi lên đường thực hiện chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Úc Malcolm Turbull nói Trung Quốc không là mối đe dọa đối với Úc, Bắc Kinh có khả năng nhưng không có ý đồ thù địch.

Ngày 22.2, ông Turnbull nói với kênh tin tức Sky News, mục đích chuyến đi của ông nhằm mở rộng và đào sâu quan hệ Úc - Mỹ. Khi được hỏi nếu Mỹ xem Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược” thì thái độ của Úc ra sao, ông Turnbull đáp “một mối đe dọa là sự kết hợp giữa khả năng với ý đồ. Trung Quốc có khả năng khổng lồ và dĩ nhiên nước này đang ngày càng thịnh vượng... nhưng chúng tôi không nhìn thấy ý đồ thù địch nào từ Trung Quốc. Chúng tôi không mô tả Trung Quốc là một mối đe dọa”.

Vị Thủ tướng nói Úc và Tổng thống Mỹ Donald Trump không xét khu vực châu Á - Thái Bình Dương “qua một lăng kính Chiến tranh Lạnh lạc hậu rằng hai siêu cường Mỹ - Trung cạnh tranh với nhau”, và ông dẫn kinh nghiệm làm ăn của chủ nhân Nhà Trắng để chứng minh ông “hiểu ý nghĩa kinh tế trong sự trỗi dậy và vận hội của Trung Quốc”.

Ông Turnbullnói, dĩ nhiên đang và sẽ có thêm những vấn đề bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh, nhưng hai lãnh đạo Mỹ - Trung đều đã có những biện pháp xử lý rõ ràng và thẳng thắn.

Theo báo Guardian, dù có quan điểm không xem Trung Quốc là mối đe dọa, chính phủ của Thủ tướng Turnbull đã có nhiều luật cấm nước ngoài can thiệp, cấm nước ngoài hiến tặng tiền và buộc các nhà vận động hành lang nước ngoài phải đăng ký. Những luật này đã khiến Trung Quốc phản đối ngoại giao.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Turnbull theo đuổi chủ nghĩa McCarthy (chống Cộng sản) và “có quan điểm thánh chiến jihad chống Trung Quốc”.

Khi được hỏi về kế hoạch Úc-Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực - nhằm đối trọng với chương trìnhMột Vành đai Một Con đường của Trung Quốc, ông Turnbull đáp giới truyền thông luôn tìm cách dựng lên sự đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, nhưng “đó không là cách chúng tôi nhìn về khu vực này”.

Ông Turnbull nói: “Chúng tôi muốn duy trì sự tôn trọng pháp luật, trật tự dựa theo luật vốn đã giúp quốc tế phát triển và thịnh vượng”. Ông còn nói khu vực châu Á - Thái Bình Dương “cần hàng ngàn tỉ đô-la đầu tư cơ sở hạ tầng, và cần mở rộng khối nhà đầu tư bằng cách cải thiện khung pháp lý và quản lý".

Vị Thủ tướng cũng nói Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp hội nhập kinh tế lớn hơn, và là “cấu trúc để các nước khác có thể dựa vào”, và nhiều nước gồm Anh đã tỏ ý quan tâm tham gia. Ông Turnbull nói: “Sẽ rất hay nếu Mỹ có thể tái tham gia, nhưng tôi không nghĩ điều ấy sẽ sớm xảy ra”.

CPTPP là tên mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã quyết rút Mỹ khỏi TPP, nên chỉ còn 11 nước tham gia: Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Toàn văn Hiệp định CPTPP đã được công bố ngày 21.2, và 11 nước thành viên sẽ ký chính thức vào đầu tháng 3 tại Chilê. Dự kiến CPTPP sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Văn bản cuối cùng của Hiệp định CPTPP (còn được gọi là TPP-11) có trị giá 10.000 tỉ USD này có 22 điều khoản thay đổi hoặc bị hoãn. Theo Reuters, nhiều điều khoản bị ảnh hưởng là do Mỹ yêu cầu đưa vào, ví dụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm.

Nhà đàm phán Kazuyoshi Umemoto cho biết 11 nước đã cố gắng tránh thay đổi quá nhiều so với TPP, với hy vọng Mỹ sẽ quay lại, và sẵn sàng chào đón bất kỳ nước nào muốn gia nhập TPP-11.

Hồi tháng 1, ông Trump đã đánh tiếng sẽ cân nhắc trở lại TPP.

Thủ tướng Úc cũng nói mối đe dọa chiến lược lớn nhất chính là nguy cơ chiến tranh - thậm chí là chiến tranh hạt nhân - với CHDCND Triều Tiên, và những thách thức nhạy cảm khác là “mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo cực đoan tại khu vực”.

Khi được hỏi về quan điểm cứng rắn của Tổng thống Mỹ về Triều Tiên, ông Turnbull nói ông Trump sẽ đạt được kết quả từ những biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ, vốn có sự ủng hộ của Úc và các thành viên Hội đồng bảo an LHQ gồm Nga và Trung Quốc.

Tại Nhà Trắng ngày 23.2, hai vị lãnh đạo Mỹ - Úc sẽ nói chuyện về an ninh khu vực, chống khủng bố,quảng bá tăng trưởng kinh tế, mở rộng hợp tác an ninh - quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Úc cũng nói ông có quan hệ bạn bè rất tốt với ông Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông Á và Đông Nam Á ở Philippines hồi tháng 11.2017, ông Trump đã nói chuyện với ông Turnbull và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bàn các vấn đề thương mại và mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Bích Ngọc (theo Guardian)

Trần Trí