Chấm dứt tình trạng 1 chiếc bánh ‘cõng’ 13 giấy phép con
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:00, 23/02/2018
Ngày 23.2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, ngày 2.2.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định này đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đây chính là món quàcó ý nghĩa đầu tiên cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Việc thực thi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm sẽ giúp tiết kiệm 10.000 ngày công, và tiết kiệm 10 nghìn tỉ đồng, giúp hạ giá thành của thực phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Đây là con số có ý nghĩa vô cùng lớn với doanh nghiệp bởi nó giúp doanh nghiệp tiết kiệm quá nhiều thời gian và chi phí”, ông Lộc nói và cho rằng đây là một điểm sáng trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Bộ Y tế.
“Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toànthực phẩm trước đây chính là một “giấy phép con” trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, sự ra đời của Nghị định 15 chính là dấu chấm hết cho "con đường gian khổ" của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp với Nghị định 38. Trước đây, doanh nghiệp phải xếp hàng hàng giờ, hàng tháng mới xin được giấy chứng nhận an toàn thực phẩm”,TS Vũ TiếnLộc chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) chia sẻ: “Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố”.
Theo ông Phong, khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề cập đến sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây. Thay đổi này sẽ tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thường trực ở cửa khẩu nữa mà chỉ có hải quan.
“Sự thay đổi này không đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”,ông Long nói.
Do đó, theo ông Long Nghị định 15 thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩmnhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.
“Nghị định 15 ra đời thể hiện sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Với sự ra đời của Nghị định 15, câu “chuyện giấy phép con”trong lĩnh vực y tế sẽ chấm dứt, sẽ không còn tình trạng 1 chiếc bánh “cõng” 13 chiếc giấy phép con như trước đó”, Thứ trưởng Long khẳng định.
TS Vũ Tiến Lộc cũng nêu rõ, sự ra đời của Nghị định 15 cũng đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng.
“Khi nhà nước trả quyền tự chủ cho doanh nghiệp thì gánh nặng “trách nhiệm” sẽ đè nặng lên “vai” doanh nghiệp. Theo tính toán, sự ra đời của Nghị định 15 sẽ giúp danh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính, nhưng nó sẽ nâng trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe người tiêu dùng lên 100%", ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng hy vọng các Bộ, ngành lĩnh vực khác còn lưỡng lự, băn khoăn hãy học tập cách làm của Bộ Y tế, mang lại những món quà đầy trách nhiệm như vậy để khuyến khích, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích cho người dân.
Ông Diệp Hồng Khôn, đại diện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng yêu cầu 100% trách nhiệm, hay quản lý hậu kiểm không phải là một áp lực mà lại trở thành động lực để các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng.
Hoài Phong