Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người dám ‘chịu trận’ và những cống hiến lịch sử

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:09, 17/03/2018

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1 giờ 30 ngày 17.3.2018 tại quê nhà Củ Chi, TP.HCM. Trong thời gian gần 2 nhiệm kỳ đứng đầu chính phủ (9.1997 đến 6.2006), ông được biết đến là chính khách có rất nhiều công lao trong việc mở cửa thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế và rất lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải đã có những chia sẻ về sự nghiệp của người đứng đầu chính phủ giai đoạn 1997-2006.

Chính khách kỹ trị đầu tiên

Từng là thành viên trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải và gắn bó với ông trong suốt 9 năm, ông có cảm nghĩ gì về chính khách này?

TS Lê Đăng Doanh: Thủ tướng Phan Văn Khải là chính khách kỹtrị đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975 và có nhiều điểm khác với các Thủ tướng tiền nhiệm. Ông được đào tạo kinh tế bài bản tại Liên Xô, sau về làm ở Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) với chức Trưởng phòng. Sau đó lại làm Ban kinh tế của Trung ương Cục, rồi Ủy ban Kế hoạch của TP.HCM sau đó lên Chủ tịch Thành phố.

Khi ông làm Thủ tướng thì ông cải tổ lại tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nâng lên Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Lúc đó kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính. Hàn Quốc vay nợ, đồng Baht của Thái Lan mất giá gần 100%, trong khi đó kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ được sự ổn định và tăng trưởng.

Đặc điểm lớn nhất của Thủ tướng Khải là hết sức quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế, quyết định gì cũng được tính toán kĩ lưỡng. Con người ông, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng đối với đất nước đều rất đáng quý.

Thủ tướng Khải cũng rất chăm đánh cầu lông, nghiện thuốc lá. Đây là con người rất thân tình, chu đáo, đối xử với anh em rất trọng thị và đặc biệt tỉnh táo trong việc nghe các ý kiến. Ông nói ít làm nhiều, rất khiêm tốn, không bao giờ tự đề cao mình.

Ông để lại một nền kinh tế có nhiều thành tựu, đó là mở cửa thị trường, hội nhập, xuất khẩu tăng trưởng, kinh tế tư nhân năng động. Hồi đó không khí cứ bừng bừng, niềm tin trong dân rất lớn.

Nhiều người cũng đánh giá rất cao những thành tựu kinh tế thời Thủ tướng Phan Văn Khải, xin ông chia sẻ đôi điều nổi bật về kinh tế Việt Nam lúc đó.

TS Lê Đăng Doanh:Dưới thời điều hành của Thủ tướng Phan Văn Khải, ngân sách không bội chi nhiều, nợ công ở mức thấp và lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng không quá nhiều và đặc biệt dự trữ ngoại hối tăng lên và kinh tế tăng trưởng mạnh.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng năm 2014 - Ảnh: SGGP

Thời đó, cân đối ngân sách rất chặt chẽ và nắm rất vững chứ không có câu chuyện tiêu xài hoang phí, xây dựng tràn lan. Nhiều người hỏi tôi sao thời ông Khải xây được ít công trình thế, tôi bảo riêng việc vượt qua khủng hoảng kinh tế đã rất vất vả rồi chứ nói gì việc xây dựng. Thời Thủ tướng Khải rất nghiêm trong những vấn đề này, khôngchi tiêu lãng phí. Nợ công thấp, Thủ tướng không đi ăn chơi, tiêu xài sang bao giờ…

Đặc biệt là ông nhất định không chịu lập tập đoàn kinh tế nhà nước, vì ông không muốn lập ra các thực thể quá lớn để rồi không kiểm soát được. Phải có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch mới lập, nếu không có chưa lập vội.

Luật “cởi trói” cho kinh tế tư nhân

Nhắc đến Thủ tướng Phan Văn Khải thì không thể không nhắc đến Luật Doanh nghiệp 1999, xin ông chia sẻ một số kỷ niệm khi xây dựng và ban hành luật này?

TS Lê Đăng Doanh:Đấy là cống hiến lịch sử, giải phóng cho kinh tế tư nhân. Trước kia theo Luật Công ty 1990 thì muốn thành lập doanh nghiệp thì phải Chủ tịch tỉnh hoặc thành phố cho phép.

Còn nhớ, thời ông Đinh Hạnh làm Phó chủ tịch Hà Nội, cứ chiều thứ 7 (hồi đó làm cả chiều thứ 7) cố gắng thông qua 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm Hà Nội cho ra đời 104 doanh nghiệp tư nhân. Ông Phan Văn Khải theo kiến nghị của chúng tôi đã thực hiện quyền tự do kinh doanh, công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, khi dự luật được đưa ra thì gặp phải nhiều khó khăn và phản đối cả ở cấp cao, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày rất bình tĩnh, có căn cứ, rồi so sánh với quốc tế và thấy rõ những nước nào thi hành Luật Doanh nghiệp theo mô hình đó thì đều giàu có lên. Cuối cùng, Luật Doanh nghiệp cũng được ra đời.

Nhưng, khi ban hành xong thì nhiều Bộ, ngành không ai thực hiện vì bị cắt đi quyền lợi. Thủ tướng lại lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng, tôi làm Tổ phó thường trực (bấy giờ tôi là Viện trưởng CIEM) đi kiểm tra xem tại sao lại không thực hiện.

Thưa ông, Chủ tịch tỉnh đang có quyền cấp phép thành lập doanh nghiệp, giờ bị tước đi quyền đó, chắc hẳn nhiều người sẽ phản ứng dữ dội lắm? Thủ tướng và Ban nghiên cứu có gặp áp lực gì không?

TS Lê Đăng Doanh:Có nhiều chủ tịch tỉnh phản ứng rất dữ dội khi đưa ra Quốc hội. Có bà chủ tịch tỉnh bảo: “Tôi là chủ tịch tỉnh tôi có quyền, nhưng tôi lập luận lại rằng “Hiến pháp, pháp luật có quy định chủ tịch tỉnh quyền nhận xét đâu là người tốt, đâu là người xấu để cho phép họ kinh doanh hay không? Trong khi người dân họ có quyền làm những gì pháp luật không cấm, có quyền kinh doanh”.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh: Trí Lâm

Hay một chủ tịch tỉnh khác, vị này cũng rất tốt nhưng bảo năm qua không cho lập thêm công ty du lịch nữa, tôi bảo luật nào cho quyền đó? Nếu vậy thì các doanh nghiệp kia sẽ bắt tay nhau nâng giá, chất lượng dịch vụ sẽ kém đi vì không có cạnh tranh, lượng khách sẽ giảm. Nhiều chủ tịch tỉnh không vừa lòng, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, ông cũng là người “dám chịu trận”.

Sau những áp lực, phản đối thì Luật Doanh nghiệp đã ra đời. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều áp lực, vì nhiều quyền lợi bị cắt bỏ.

Trong những quyền lợi bị cắt bỏ đó, có phải có cả những “giấy phép con”? Được biết, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cắt giảm khoảng 50% giấy phép con. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

TS Lê Đăng Doanh:Chúng tôi đi khảo sát và phát hiện ra trong nền kinh tế có 580 giấy phép con. Có những giấy phép như nông dân muốn thu lượm sắt vụn, đánh máy chữ, vẽ truyền thần… cứ 3 tháng lại phải xin phép 1 lần; hoặc cơ sở đóng tàu của kinh tế tư nhân không được đóng xà lan quá 200 tấn…Tất cả những cái đó làm cơ chế xin – cho. Chúng tôi trình lên và Thủ tướng kí giấy hủy 268 giấy phép, tức khoảng 50%. Như vậy là cắt 'nguồn thu' bất chính của các Bộ rất nhiều.

Điều đó làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích trí sáng tạo và sự năng động của người Việt Nam. Và lúc bấy giờ có bước phát triển mạnh, người dân cảm thấy thoải mái.

Tôi nhớ cứ chiều thứ 6 chúng tôi thảo luận và mời các Bộ đến, nhiều khi tranh luận gay gắt. Có những ông thứ trưởng đập bàn phản ứng dữ dội. Qua đấy thấy rõ Thủ tướng Phan Văn Khải là người cải cách, tin vào người dân và biết được thực tế cuộc sống.

Lắng nghe tư vấn, cầu thị

Và cũng rất tin vào Ban nghiên cứu của mình? Thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh:Thủ tướng Phan Văn Khải cũng rất muốn thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền. Ban nghiên cứu có trụsở số 10 Lê Hồng Phong, có cả bộ máy giúp việc. Thủ tướng Khải cũng khác với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt có việc gì thì mới hỏi còn Thủ tướng Phan Văn Khải trước khi kí 1 Nghị định, 1 Quyết định gì đều gửi cho Ban nghiên cứu, thậm chí cả văn bản của Phó thủ tướng đưa lên.

Đã bao giờ ý kiến Thủ tướng và Ban nghiên cứu khác biệt nhau, và làm sao để dung hòa, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh:Cũng có khi ý kiến khác biệt nhưng chúng tôi đã can ngăn và Thủ tướng đã dừng lại, không ký nữa. Việc Thủ tướng nghe cấp dưới can mình thì đấy có thể nói là can đảm, cầu thị. Anh Khải là người sẵn sàng nghe, thảo luận, sẵn sàng chấp nhận và anh ấy đã chủ trì 2 ngày liền họp với các Bộ về kế hoạch 5 năm, thảo luận từng tí một.

Sau khi nghỉ hưu, thủ tướng vẫn thường xuyên theo dõi, trao đổi với anh em trong Ban nghiên cứu nhưng ông không xuất hiện, giữ nguyên tắc tôn trọng người điều hành đương nhiệm.

Thời thủ tướng Khải không có chuyện lợi ích nhóm, sân sau, không có chuyện tiếp doanh nghiệp ở nhà… mặc dù doanh nghiệp họ tiếp cận ông qua rất nhiều kênh, từ con cái, con dâu…

Thủ tướng rất thân tình với anh em trong tổ tư vấn bởi tuổi tác cũng không chênh lệch nhau nhiều, thậm chí Thủ tướng còn kém tuổi một số thành viên trong tổ tư vấn. Những điều Thủ tướng chỉ ra, quyết định đều có căn cứ, cân nhắc, đầu tư làm bài bản.

Chúng tôi thường gọi anh ấy là anh Sáu Khải, Ban nghiên cứu cứ trưa thứ 6 là có bữa trưa nhẹ nhàng, trong đóông Tổ trưởng trình bày công việc và các thành viên góp ý kiến. Nhiều khi thủ tướng đến ăn cơm và hỏi luôn ở đó, thậm chí nói chuyện 'mày tao' rất vui vẻ.

Thúc đẩy hội nhập quốc tế

Một trong những di sản lớn của Thủ tướng Phan Văn Khải là thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ. Xin ông chia sẻ một số đánh giá của mình về vấn đề này?

TS Lê Đăng Doanh:Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều công lao trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế. Thủ tướng là người đã trình ra và đã thực hiện kí kết Hiệp định song phương Việt Nam – Mỹ. Thủ tướng Khải cũng là người đầu tiên gặp ông Bill Clinton và 2 người rất là tôn trọng nhau. Năm 2006 ông sang Mỹ và gặp Tổng thống Bush để thúc đẩy mối quan hệ song phương.

Điều này cho thấy ông ấy có công rất lớn, đã nhìn thấy tương quan và cái tạo điều kiện để phát triển, mở ra triển vọng hợp tác rộng và mới giữa Việt Nam và Mỹ.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ George W. Bush (phải) - Ảnh VNF

Thủ tướng Khải cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên ông rất tỉnh táo trong các quyết sách. Có nhà đầu tư nước ngoài đề nghị đầu tư đường 5 theo hình thức BOT nhưng thủ tướng phản đối. Thủ tướng nói nếu làm BOT thì phải làm con đường mới, còn người dân của chúng tôi phải có quyền lựa chọn có đi hay không. Đường 5 sẽ tìm vốn nước ngoài để nâng lên. Sau đó thủ tướng đã vay ngân hàng ADB, WB để làm đường 5. Đó là những quyết sách rất đáng quý.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm(thực hiện)

Trí Lâm