Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỉ đồng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:14, 26/02/2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ phản ánh việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ việc đầu mối xăng dầu hưởng lợi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2018.

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2015 và 5 kỳ điều hành năm 2016, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỉ đồng.

Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền từ kỳ điều hành cuối tháng 3.2016 chỉ mang tính tình thế, vẫn làm phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Số liệu tại 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2016 cho thấy khoản chênh nhờ thuế này vẫn trên 1.400 tỉ đồng.

Phân tích cụ thể, cơ quan kiểm toán cho biết, qua kiểm toán sổ sách thực tế riêng mặt hàng dầu diesel các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi khi thuế nhập xăng từ ASEAN (ATIGA- 10%) từ 5-25% trong năm 2015; và 0,6-10% năm 2016.

Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành, khiến doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng. Đơn vị lãi nhiều nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex,PLX) khoảng 3.000 tỉ đồng.

Việc áp thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính với mặt hàng xăng dầu cũng được Kiểm toán Nhà nước cho rằng "chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, tính minh bạch, rõ ràng". Vì thế, để khắc phục tồn tại trong xác định giá cơ sở và góp phần vào việc chống trốn lậu thuế, cơ quan kiểm toán nhấn mạnh, cần quy định tỷ lệ thuế nhập khẩu về một mức phù hợp.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, liên Bộ xác định chưa chính xác về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) tại 4 kỳ điều hành (tháng 7 và 8.2016) là hơn 216 tỉ đồng. Liên Bộ cũng xác định chưa hợp lý về tỷ giá tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tính thiếu 214 tỉ đồng qua 17 kỳ điều hành tại 10 đơn vị đầu mối.

Ngoài ra, trong quá trình điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 - 2016 liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường như xăng RON 92, dầu diesel 0,05S. Tuy nhiên, cơ quan này lại “quên” công bố giá cơ sở một số mặt hàng như xăng RON 95, diesel 0,25S.

Cụ thể, mặt hàng RON 95 không được liên Bộ công bố giá cơ sở tại 47 kỳ điều hành giá năm 2015, 2016; dầu diesel 0,25S tại 23 kỳ điều hành giá năm 2015.

Tuy phát hiện ra chênh lệch tài chính lớn trên 4.800 tỉ đồng nhưng Kiểm toán Nhà nước chỉ kiến nghị các đơn vị đầu mối được kiểm toán nộp vào ngân sách các khoản thuế phải nộp tăng thêm 252 tỉ.

Cơ quan kiểm toán kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu, áp dụng thống nhất một mức thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, có thể ở mức 0%, để thuận lợi trong quản lý, điều hành giá và hạn chế tối đa trốn lậu thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng được kiến nghị sửa đổi để phù hợp tính toán giá cơ sở, đảm bảo nghĩa vụ thuế và tránh thất thu ngân sách.

Cơ quan kiểm toán kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu, áp dụng thống nhất một mức thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, có thể ở mức 0%, để thuận lợi trong quản lý, điều hành giá và hạn chế tối đa trốn lậu thuế.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết hiện nay cơ sở để tính thuế nhập khẩu trong cơ cấu giá xăng dầu vẫn lấy theo thuế nhập khẩu bình quân gia quyền. Tại kỳ điều hành gần đây nhất, trên cơ sở thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, nếu trong trường hợp thấp hơn mức thuế nhập khẩu thấp nhất của một trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì sẽ lấy mức thuế thấp nhất đó.

Việt Nam đang có 10 FTA, trong đó thuế suất mặt hàng xăng dầu là khác nhau, do đó Thứ trưởng Mai cho biết hiện nay vẫn chưa có phương án nào tốt hơn phương án thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong điều hành giá xăng dầu.

Bộ Công Thương từng cho rằng phương pháp tính thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành của Nghị định 83, chưa đúng diễn biến giá thế giới và có thể ngược chiều với giá thế giới. Ngoài ra, cách tính này gây dư luận là việc điều hành thiếu tính công khai, minh bạch và số liệu cụ thể để tính toán mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát. Đặc biệt, cách tính này cũng chưa giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Hoài Phong

Trí Lâm