Nga ra lệnh ngưng bắn từng ngày ở ‘địa ngục trần gian’ Syria
Quốc tế - Ngày đăng : 20:38, 27/02/2018
Hãng tin RIA ngày 26.2 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh từ ngày 27.2 sẽ ngưng bắn ở Đông Ghouta từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều/ngày, và lập “một hành lang nhân đạo”.
Thiếu tướng Yuri Yevtushenko, chỉ huy Trung tâm Nga hòa giải - hòa bình Syria, nói các biện pháp này có sự đồng ý của quân đội Syria, nhằm giúp dân thường ra đi và sơ tán người bị thương và bị bệnh.
Thông tin của RIA về tuyên bố của vị tướng không đề cập trực tiếp việc cho phép nguồn viện trợ nhân đạo tiếp cận Đông Ghouta, nơi mà 400.000 dân đang chịu đựng các đợt ném bom làm chết hàng trăm người,cùngsự bao vây của bộ binh Syria và có máy bay Nga yểm hộ.
Nhưng RIA dẫn lời tướng Yevtushenko cáo buộc quân nổi dậy “bắt hàng trăm con tin gồm phụ nữ và trẻ nhỏ, không cho họ ra đi”.
Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào “cho phép người nào muốn ra đi theo ý nguyện của họ” và sơ tán y tế. Nhưng người phát ngôn Iolanda Jaquemet nói vẫn cần có đoàn xe nhân đạo đến Đông Ghouta để cấp thuốc men, phương tiện y tế, thức ăn, nguyên liệu lọc nước sạch.
Nga đưa ra động thái này sau phát biểu củaTổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại Hội đồng nhân quyền LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) rằng “Đông Ghouta không thể chờ, đây là cao điểm để chấm dứt địa ngục trần gian này” và kêu gọi tuân thủ nghị quyết ngưng bắn trên toàn Syria.
Ngày 24.2, Nga cùng 14 nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi 30 ngày ngưng bắn, với lý do những trận bom liên tiếp khiến không thể đếm xác người chết.
Tuy nhiên, Cao ủy nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad al-Hussein chỉ trích 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ phải chịu trách nhiệm vì đã không thể kết thúc cuộc nội chiến Syria.
Một tuần qua, những vụ đánh bom ở Đông Ghouta làm chết ít nhất 556 người trong vòng 8 ngày, theo tổ chức Giám sát nhân quyền ở Syria (trụ sở ở Anh) vốn cũng ghi nhận cường độ đã giảm sau khi có nghị quyết LHQ.
Sau khi có nghị quyết LHQ, những cuộc giao chiến vẫn diễn ra trên toàn Syria, gồm quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh quân ly khai thuộc Lực lượng bảo vệ nhân dân Kurd (YPG) ở vùng Afrin (bắc Syria).
Ngày 26.2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện điện thoại với vị đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan: Nghị quyết LHQ có hiệu lực trên toàn Syria, bao gồm Afrin. Ông còn nói Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran chịu trách nhiệm trực tiếp về tuân thủ lệnh ngưng bắn nhằm giúp kết thúc nội chiến Syria.
Một ngày trước đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói nghị quyết LHQ không liên quan chiến dịch quân sự “Cành Ô-liu”, khẳng định chiến dịch này“đánh các tổ chức khủng bố đe dọa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết chính trị ở Syria”.
Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhánh của đảng Công nhân Kurdistan (PKK) từ30 năm qua tiến hành chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cùng Mỹ và EU xếp PKK là một tổ chức khủng bố. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ đánh YPG khiến Mỹ phản đối, vì Mỹ phối hợp với YPG đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở miền đông Syria.
Các nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham - Tahrir al-Sham cũng đánh nhau ở Idlib. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói lệnh ngưng bắn không áp dụng với các nhóm quân nổi dậy Tahrir al-Sham, Jaish al-Islam, Failaq al-Rahman, vì đây là các nhóm cộng sự với Mặt trận Nusra (một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda).
Reuters cũng dẫn thông tin ngày 25.2 của ngành y tế, nói có nhiều người dân có triệu chứng nhiễm khí gas chlorine. Nhưng ông Lavrov nói những cáo buộc chính phủ Syria phả chịu trách nhiệm về bất kỳ vụ tấn công hóa học nào đều nhằm phá hoại lệnh ngưng bắn.
Chính phủ Syria luôn phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến Syria (vừa bước qua năm thứ 8) vốn đã làm chết hàng trăm ngàn người, và buộc một nửa trong tổng số 23 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)