Thứ trưởng Bộ Công an lý giải việc không cho chuyển nhượng biển số đẹp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:06, 28/02/2018

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết biển số nào phải đi cùng với xe đấy. Tạo ra thị trường kinh doanh biển số xe là không được. Do đó cơ quan quản lý không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp.

Trả lời báo chí bên lề cuộc làm việc Tổ công tác của Thủ tướng với các Bộ ngành sáng 28.2, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết cho biết, khobiển số đẹp sẽ được công khai để người dân đăng ký.

Theo đó, việc định giá sàn sẽ do một hội đồng gồm thành viên của các ngành công an, tài chính, tư pháp thống nhất, nay đangchờ Văn phòng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng để báo cáo Thủ tướng cho triển khai.

Tướng Sơn khẳng định, việc đấu giá biển số xe sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo ra nguồn ngân sách cho địa phương.

Về những băn khoăn cho rằng, việc không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp sẽ giảm đi tính hiệu quả, ông Sơn giải thích: “Biển số nào phải đi cùng với xe đấy. Tạo ra thị trường kinh doanh biển số xe là không được. Do đó cơ quan quản lý không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp”.

Về việc nếu người dân muốn mua biển số xe theo ngày sinh hoặc năm sinh, ông Sơn cho hay, người dân hoàn toàn có quyền đăng ký biển số mà mình muốn với cơ quan quản lý. Sau đó cơ quan quản lý sẽ xem xét và công khai biển số này vào danh sách đấu giá.

“Nếu có từ hai người trở lên đăng ký thì sẽ tổ chức đấu giá. Trường hợp chỉ một người có nhu cầu thì cơ quan quản lý sẽ xem xét để cấp biển đó cho người dân, với mức phí cao hơn so với quy định”, ông Sơn cho biết.

Trước đó, theo đại tá Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, biển số ô tô đấu giá có thể chia thành 5 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba có 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ 4gồm số sau lớn hơn số trước. Nhóm thứ 5bao gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Quá trình đấu giá để sở hữu biển số xe phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về đăng ký và quản lý xe.

Theo quy định, mỗi biển số chỉ được cấp cho một xe. Người trúng đấu giá sẽ được sử dụng biển số đó cho xe của mình. Khi sang tên đổi chủ ở cùng tỉnh được tiếp tục sử dụng biển số đó. Trường hợp sang tên xe khác địa phương, chủ phương tiện phải làm theo quy định.

''Tất cả kho số đưa ra đấu giá phải được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến để đảm bảo công bằng", đại tá Đức nói và khẳng định, số tiền thu từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Được biết, vấn đề đấu giá biển số xe đẹp được đặt ra từ năm 2010 - 2011. Từ thời điểm đó đến nay vẫn có 2 luồng ý kiến khác nhau: Biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của Nhà nước? Đó là vướng mắc lớn nhất.

Tại một cuộc họp báo của Bộ Tư pháp vào năm ngoái, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Luật Giao thông đường bộ cấm mua bán biển số của các phương tiện cơ giới. Do đo, việc dự kiến đưa biển số xe đẹp ra đấu giá đến nay vẫn không thực hiện được.

Cũng theo bà Mai, biển số xe đẹp không chỉ là tài sản đơn thuần mà còn là công cụ quản lý Nhà nước. Việc giao quyền sở hữu, sử dụng hoàn toàn cho người dân thì cần tính toán giữa lợi ích đó với lợi ích của việc quản lý nhà nước.

Trong một cuộc trao đổi với báo điện tửMột Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, biển số xe hoàn toàn có thể được coi là tài sản theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, biển số xe chỉ do cơ quan công an cấp và mỗi biển số xe gắn liền với một chiếc xe cụ thể nên từ trước đến nay không thể giao dịch, mua bán riêng biển số xe nên càng không thể bán đấu giá. Thực tế mua bán xe (nếu đã có biển số) đã bao gồm việc chuyển nhượng biển số xe, tuy nhiên từ trước đến nay cũng hiếm khi bên bán định giá biển số xe vào giá bán.

“Cái khó hiện nay trong việc bán biển số xe, theo tôi không phải vì không thể coi biển số xe là tài sản, mà là vì chưa có khung pháp lý cụ thể đối với việc bán đấu giá biển số xe”, ông Vũ nói.

Ông Vũ bày tỏ, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực từ ngày 1.7.2017thì tài sản đấu giá được liệt kê tại Điều 4 Luật này, nhưng để xác định biển số xe là loại tài sản cụ thể nào trong số các tài sản đấu giá được liệt kê cũng không hề dễ dàng. Và phương án khả dĩ nhất để có thể đấu giá biển số xe đẹp là nên có khung pháp lý riêng, trên cơ sở phù hợp với luật Đấu giá tài sản.

Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết hoàn toàn ủng hộ việc đấu giá biển số xe và điều này thế giới đã làm từ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, khi áp dụng phải có văn bản pháp luật cụ thể.

Ông Liên cho biết, biển số xe hiện nay do từng tỉnh quản lý nên tỉnh cần tổ chức đấu thầu chứ không phải đấu thầu cả nước. Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương cần phối hợp với sở giao thông địa phương, thống kê biển số xe là bao nhiêu, loại nào.

“Công tác đấu thầu cần công khai, minh bạch trên mạng, thành lập một hội đồng giám sát để tránh lợi ích nhóm. Có như vậy mới xây dựng được một quy chế đấu giá minh bạch. Nếu cứ để một cơ quan làm việc này sẽ dễ dẫn đến lợi ích nhóm, trục lợi”, ông Liên nói.

Hoài Phong

Trí Lâm