Nhà mạng 'bội thu' khi thuê bao tranh thủ nạp thẻ hưởng khuyến mại 50% lần cuối
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:22, 28/02/2018
Như Một Thế Giới đã đưa tin, Theo Thông tư số 47 ngày 29.12.2017 của Bộ TT-TT về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, từ 1.3, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%. Thuê bao trả sau được áp dụng mức tối đa 50%.
Do đó, trong ngày 28.2, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone đều tung ra chương trình khuyến mại 50% và khuyến các đây là lần khuyến mại 50% cuối cùng cho các thuê bao trả trước.
Các nhà mạng cũng cho biết, khuyến mại 50% sẽ được áp dụng với tất cả các hình thức nạp thẻ, nạp tiền điện thoại hiện hành như thẻ cào hoặc online.
Không chỉ các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị trung gian thanh toán như Moca, Momo... cũng đưa ra thông báo "nhắc nhở" người dùng về "cơ hội cuối cùng" được hưởng khuyến mại lớn của từng nhà mạng.
Quy định mới của Bộ TT-TT đã khiến rất nhiều khách hàng rộng tay, nạp thẻ gấp 5-6 lần so với bình thường để tranh thủ lần khuyến mãi cuối. Nhờ vậynhiều cửa hàng kinh doanh thẻ điện thoại có một ngày “bội thu”.
Điển hình như lượng nạp qua ví điện tử ZaloPay tăng hơn 10 lần, tổng giá trị nạp tiền tăng hơn 20 lần; qua Momo tăng 4 lần; ZaloPay tăng tới 12 lần đối với thẻ MobiFone…
Chị Lưu Thị Nương - một lập trình viên tại Hà Nội cho biết đã nạp khoảng 2 triệu đồng vào điện thoại để hưởng mức khuyến mại 50%, thay vì chỉ nạp 100.000-200.000 đồng như thường lệ. Chị Nương cũng cho hay, việc nạp thẻ online liên tục gặp tắc nghẽn, nhiều giao dịch không thành công trong ngày hôm nay.
Theo giải thích của BộTT-TT, quy định hạn mức khuyến mãi như trên là nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ viễn thông di động, cũng như nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng; hạn chế tình trạng các nhà mạng đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới, khuyến mãi lớn cho thuê bao trả trước để cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ lập luận việc các nhà mạng buông lỏng tình trạng đăng ký thông tin khiến cho một số khách hàng đăng ký thuê bao trả trước để nhắn tin quảng cáo, đe dọa, nhắn tin độc hại, lừa đảo… nhưng khó truy xuất danh tính, do đó cần giới hạn lại. Trong khi đó, thuê bao trả sau là nhóm khách hàng trung thành, có đầy đủ thông tin khi đăng ký dịch vụ nhưng lại ít được hưởng chính sách khuyến mại.
Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới,luật sư Kiều Anh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng những lý do nói trên của Bộ TT-TT chưa thật sự thuyết phục, bởi lẽ chủ thuê bao trả trước hay chủ thuê bao trả sau đều là khách hàng, là người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ của nhà mạng, đều phải đăng ký thông tin, đều phải trả tiền để sử dụng dịch vụ. Do đó, họ đều phải được đảm bảo quyền lợi công bằng theo quy định của pháp luật.
“Mặc dù đã có nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho việc cắt giảm hạn mức khuyến mại tối đa dành cho thuê bao di động trả trước nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là phải hợp pháp, thống nhất, phù hợp với các quy định khác của pháp luật dường như vẫn chưa được xem xét thấu đáo”, ông Vũ nêu.
Vẫn theo luật sư này, khuyến mại là một trong các hình thức xúc tiến thương mại được quy định tại luật Thương mại. Luật này quy định thương nhân thực hiện khuyến mại có quyền lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
Theo khoản 4 Điều 94 luật Thương mại, Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại.
Hướng dẫn quy định này, Điều 5 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 4.4.2006 của Chính phủ Quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đã quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
Theo đó, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại; tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
Như vậy, ông Vũ cho rằng hạn mức khuyến mại đã được quy định tại luật Thương mại và Nghị định 37/2006/NĐ-CP với hạn mức là 50%. Luật Thương mại và Nghị định 37/2006/NĐ-CP đều là những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Thông tư 47/2017/TT-BTTTT nhưng trong phần căn cứ cáp dụng để ban hành Thông tư 47/2017/TT-BTTTT, chỉ viện dẫn đến luật Thương mại chứ không viện dẫn Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Do đó, Thông tư 47/2017/TT-BTTTT đưa ra hạn mức khuyến mại đối với thuê bao di động trả trước chỉ đến 20% là có dấu hiệu trái luật, trái nghị định.
Bên cạnh đó, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ một trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; nghiêm cấm ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
Khoản 2 Điều 156 tại luật này cũng quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, cần phải kiểm tra, rà soát lại quy định của Thông tư 47/2017/TT-BTTTT về việc đưa ra hạn mức khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao di động trả trước.
“Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hợp pháp. Thông tư không thể quy định vượt rào so với quy định của nghị định và của luật”, ông Vũ nêu.