Tổ chức tài chính vi mô muốn hoạt động cần những điều kiện gì?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:17, 28/02/2018

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, trong đó quy định rõ các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Cụ thể, NHNN ban hành Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, tổ chức tài chính vi mô phải đáp ứng 5 điều kiện bao gồm: Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ; Có chủ sở hữu, thành viên sáng lập theo quy định tại Thông tư này.

Có người quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Thông tư này; Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Điều 31 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật có liên quan; Có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm đầu hoạt động. Thông tư quy định rõ các điều kiện đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập tổ chức tài chính vi mô.

Quy định cũng nêu rõ thời gian hoạt động của loại hình này sẽ tối đa không quá 50 năm, được thực hiện các hoạt động huy động vốn bao gồm nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới các hình thức tiết kiệm bắt buộc; tiền gửi tự nguyện; vay vốn của TCTD, tổ chức tài chính, và các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng tài chính vi mô và khách hàng khác để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Khoản cho vay của loại hình doanh nghiệp này có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.

Ngoài ra, tổ chức tài chính vi mô cũng phải duy trì tỷ lệ tổng dư nợ các khoản cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô trong tổng dư nợ cho vay tối thiểu 90% (quy định hiện hành là 65%). Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 triệu đồng (quy định hiện hành là 30 triệu đồng). Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 triệu đồng.

Tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản tiền gửi tại NHNN, ngân hàng thương mại, không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Bên cạnh đó, loại hình doanh nghiệp này sẽ được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác như: Ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn; Cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô; cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng tài chính vi mô; làm đại lý cung ứng dịch vụ bảo hiểm.

Về dự phòng rủi ro, thực hiện việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay theo hướng dẫn của NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay của tổ chức tài chính quy mô nhỏ quy định tại Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16.6.2010 cho đến khi NHNN ban hành hướng dẫn về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15.4 tới.

Tuyết Nhung

tuyetnhung