Nga tố Mỹ huấn luyện quân đội châu Âu dùng vũ khí hạt nhân chống Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 11:00, 01/03/2018
Tại Hội nghị Giải trừ quân bị tổ chức tại Geneva, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân là bất khả thi nếu không xem xét đến những yếu tố gây bất ổn cho “an ninh và ổn định chiến lược của quốc tế hiện tại”, mà động thái Mỹ “triển khai một hệ thống chống tên lửa toàn cầu” cũng như “triển khai vũ khí chiến lược đến châu Âu và tiếp tục tiến hành những hoạt động gọi là “sứ mệnh hạt nhân chung”” chính là một trong những yếu tố đó.
Theo Ngoại trưởng: “Như chúng ta đều biết, sứ mệnh hạt nhân kiểu này vi phạm NPT, còn các quốc gia phi hạt nhân lên kế hoạch và tham gia các cuộc tập trận của Mỹ, rồi học cách sử dụng vũ khí hạt nhân”.
“Mọi người hiểu rằng theo cách này, quân đội Mỹ giúp quân đội châu Âu chuẩn bị cho khả năng dùngvũ khí hạt nhân để chống lại Nga. Những sáng kiến mà chúng ta thấy phía Mỹ thực hiện khiến tiến trình thực hiện đầy đủ NPT trở nên tồi tệ hơn”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Ông khẳng định trái ngược với “lập trường hung hăng” của Washington, Moscow đã không triển khai hay cho thử bất kỳvũ khí hạt nhân nào. Theo ông, Nga đã giảm 85% số vũ khí hạt nhân so với thời Chiến tranh Lạnh.
Phía Nga trước đó đã nhiều lần chỉ trích “những sứ mệnh hạt nhân chung” cũng như cáo buộc Washington đưa vũ khí hạt nhân đến châu Âu. Vào tháng 4.2017, Bộ Ngoại giao Moscow ra một thông cáo: “Cách tiếp cận của Washington với việc thực hiện NPT vẫn là một mối quan ngại lớn. Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục hoạt động huấn luyện kỹnăng hạt nhân như là một phần của nỗ lực “chia sẻ hạt nhân. Đây là vi phạm nghiêm trọng Điều 1 và 2 của NPT”.
Điều 1 NPT cấm quốc gia hạt nhân trực tiếp lẫn gián tiếp chuyển giao vũ khí hạt nhân, thiết bị nổ hạt nhân hay quyền kiểm soát những vũ khí và thiết bị trên cho bất cứ quốc gia nào, còn Điều 2 quy định các quốc gia phi hạt nhân không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận những vũ khí, thiết bị nổ hay quyền kiểm soát nêu trên.
Việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu từ lâu đã bị Nga phản đối. Moscow cho rằng hệ thống này không nhằm đối phó với một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Iran, mà là để làm suy yếu và vô hiệu hóa với khu vũ khí hạt nhân của Nga.
Cẩm Bình (theo CNBC)