Đền Trần chật kín người xin ấn
Văn hóa - Ngày đăng : 12:14, 02/03/2018
Ngay trong ngày 1.3, rất đông du khách đã tập trung tới nơi này để mong nhận được những chiếc ấn được phát tại đền, mong cho một năm làm ăn thuận lợi, phát tài. Để tránh tình trạng ném tiền vào kiệu trong đêm khai ấn, BTC lễ hội đã cho lắp đặt camera để theo dõi, nếu phát hiện có tình trạng ném tiền sẽ trích xuất camera tìm "thủ phạm" để xử lý.
Rất đông du khách đã kéo tới đền Trần để tham dự lễ phát ấn
Theo lịch trình, thời gian phát ấn cho người dân vàdu khách thập phương được bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng ngày 2.3 (tức ngày 15 tháng Giêng), số lượng ấn phát ra không giới hạn để phục vụ mọi du khách.
Theo ghi nhận của phóng viên, BTC đền Trần đã bố trí các bàn đặt ngay sân Đền Trần để người dân tiện sắp lễ, nhưng do lượng người dâng lễ mỗi lúc một đông nên không đủ chỗ. Ngoài ra còn có những người dâng lễ đơn giản, chỉ vào dâng sớ, dâng hương... Còn tại Đền Cố Trạch nơi đặt kiệu rước ấn, nhiều người cố bỏ tiền vào kiệu rước ấn để cầu công danh và mong muốn may mắn sẽ đến với mình.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định mong muốn cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân, du khách khi tham gia lễ hội thực hiện đúng các quy định của ban tổ chức, không chen lấn, xô đẩy tránh tình trạng lộn xộn, nhất là hiểu đúng về ý nghĩa của việc phát ấn, xin ấn và lựa chọn thời gian phù hợp để đến xin lộc ấn, đi lễ đầu năm.
Dòng người đứng đông kín trước sân đền Thiên Trường chờ phát ấn và không hề có hiện tượngchen lấn như nhiều năm trước đó
Theo các chuyên gia văn hóa, lễ hội Đền Trần, diễn ra hàng năm tại nơi thờ 14 vị vua thuộc Vương triều Trần hào khí ngất trời, cần sự tôn nghiêm, trật tự, không chấp nhận sự phàm tục, nhốn nháo, xô bồ; càng không chấp nhận hội chứng đám đông với những hành vi cướp giật, mua bán, bạo lực, cuồng tín, phản văn hóa... Lại càng không chấp nhận những biểu hiện thương mại hóa lễ hội, bịa đặt, thêm thắt lễ tục theo cái nhìn của người đời phàm tục mà phương hại đến lịch sử, phiền lòng tiền nhân.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đã nhiều lần lưu ý, cảnh báo về sự bịa tạc, biến tướng thái quá của cái tục lệ khai ấn, phát ấn nơi Đền Trần Nam Định và một vài nơi khác nữa. Nhiều ý kiến khẳng định, chưa tìm thấy nguồn thư tịch nào nói về việc khai ấn, phát ấn nơi đền miếu. Từ một tục lệ trong phạm vi nhà đền, nhà phủ, khi nhận ra nguồn cầu dồi dào từ tâm lý khủng hoảng đức tin của một bộ phận công chúng, họ đã thêm thắt, mở rộng, nâng cấp, thổi vào đó yếu tố linh thiêng, mê hoặc công chúng.
Dạ Thảo