Bộ VHTTDL lý giải về 'trạm thu phí' du khách thăm di tích tâm linh
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:16, 02/03/2018
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào chiều 1.3, đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã trả lời báo chí về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất không khuyến khích đốt vàng mã và việc thu phí tham quan tại Yên Tử (Quảng Ninh).
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, tập tục đốt vàng mã là một phần nghi thức gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Việc tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức về tập tục này, hạn chế trong đời sống đương đại, Bộ VHTTDL với trách nhiệm quản lý của mình gần đây đã có nhiều quy định, văn bản hướng dẫn đề nghị người dân khi tham gia lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội… có ý thức để hạn chế đốt vàng mã.
Bà Thủy cho biết, đối với công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa, tổ đình, cơ sở thờ tự về việc không đốt vàng mã tại các cơ sở này, Bộ VHTTDL hoàn toàn đồng tình, ủng hộ.
Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ trong việc hạn chế đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại một số di tích có tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, bị dư luận phản ứng gay gắt. Bộ VHTTDL đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, đề xuất các quy định cụ thể. Cụ thể như tại đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh), đến nay tình trạng đốt vàng mã đã giảm đáng kể.
Cùng với đó, bà Thủy cho rằng chính sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng mang lại hiệu quả tích cực. Do đó việc hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội là hoàn toàn khả thi.
Về việc thu phí di tích tại một số địa phương, bà Thủy cho hay, căn cứ Luật Phí và Lệ phí, Nghị định 120/NĐ-CP 2016 hướng dẫn một số điều của Luật Phí và Lệ phí, Thông tư 250 năm 2016 của Bộ Tài chính… và theo rà soát, tất cả các địa phương khi có thu phí, lệ phí đều đã căn cứ các quy định nêu trên, không có việc thu phí tùy tiện. Việc điều chỉnh tăng, giảm đều có thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể.
Với việc thu phí tại Yên Tử, Bộ VHTTDL đã rà soát và được biết việc triển khai đã theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua.
“Việc thu phí là chủ trương chung của các địa phương để có nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều khu di tích hiện đã khang trang, đẹp đẽ hơn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nhờ nguồn thu phí thăm quan di tích”, bà Thủy nói.
Được biết, từ tháng 1.2018, Quảng Ninh đã cho thu phí tham quan Yên Tử, với mức từ 20.000 - 40.000 đồng/lượt khách.
Tại cuộc họp báo chiều qua (28.2), ông Vũ Văn Hợp - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, việc thu phí tham quan Yên Tử từng được thực hiện trước năm 2007 và dừng từ 10 năm nay. Thời gian qua, Quảng Ninh đã cùng các doanh nghiệp, người dân đầu tư lớn để có được một Yên Tử như hôm nay.
Ngoài ra, hàng năm, Quảng Ninh cũng phải chi một lượng ngân sách rất lớn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; cứu hộ cứu nạn; vệ sinh môi trường; xử lý rác thải; cung cấp nước sạch; tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và chi cho bộ máy Ban Quản lý di tích – Rừng quốc gia Yên Tử.
Ước tính, từ 1.1.2018 đến nay, số tiền thu phí tham quan Yên Tử đạt trên 10,5 tỉ đồng. Dự kiến, 20% tổng số tiền thu phí sẽ dành nuôi bộ máy Ban QLDT-RQG Yên Tử và các khoản chi khác; 80% còn lại nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung cho TP.Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử.
Hoài Phong