Ông Trump khiến thế giới lo ngại chiến tranh thương mại sẽ bùng nổ
Quốc tế - Ngày đăng : 12:47, 03/03/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở rất gần một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nói riêng và với toàn cầu nói chung ở thời điểm hiện tại. Việc tuyên bố công khai sẽ tìm mọi cách có thể để buộc Trung Quốc phải chỉnh sửa các quy định thương mại của mình, cùng với việc đe dọa áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới - một động thái được dự báo sẽ kích hoạt sự trả đũa từ Trung Quốc và các nền kinh tế khác trên khắp thế giới - đang có nguy cơ rất cao sẽ trở thành sự thực.
Trên trang tweeter cá nhân của mình, ông Trump tuyên bố thẳng thừng về khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại trong một dòng tweet vào ngày 2.3: “Khi một quốc gia (Mỹ) đang chịu mức thâm hụt hàng tỉ USD với gần như mọi quốc gia mà nó có quan hệ thương mại, thì chiến tranh thương mại là một điều tuyệt vời, và sẽ rất dễ dàng giành được chiến thắng.Ví dụ, khi chúng ta giảm trao đổi thương mại khoảng 100 tỉ USD với một quốc gia nào đó và họ sẽ trở nên dễ thương ngay. Nếu không thì khỏi thương mại gì nữa. Chúng ta sẽ thắng lớn. Dễ thôi mà.”
Dòng tweet này được xem như đổ thêm dầu vào lửa khi được dự báo sẽ làm gia tăng sự giận dữ của các nền kinh tế trên khắp thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và các nước châu Âu, khi trước đó ông Trump đã đe dọa sẽ tăng mức áp thuế lên 25% với mặt hàng thép nhập khẩu và 10% với nhôm nhập khẩu. Trong một dòng tweet khác, ông Trump tiếp tục đưa ra cảnh báo: “Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu với vấn đề xem xét thuế nhập khẩu. Khi thâm hụt thương mại hàng năm của bạn lên tới 800 tỉ USD, thì bạn không còn sự lựa chọn”.
Sự đe dọa của Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên sự lo sợ về các động thái trả đũa thương mại từ các nền kinh tế trên khắp thế giới. Đồng USD ngay lập tức suy yếu đáng kể sau những tuyên bố nói trên. Ngay cả một số nghị sĩ trong Đảng Cộng hòa của ông Trump, như Ben Sasse, cũng đã lên tiếng cảnh báo: “Chẳng có ai là giành được chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại cả. Nếu Tổng thống thực hiện điều này, nó sẽ giết chết nhiều công ăn việc làm của người lao động Mỹ như một điều sẽ xảy ra khi nổ ra bất cứ một cuộc chiến tranh thương mại nào khác. Quánhiều mất mát.”
Động thái này cũng ngay lập tức nhận được sự phản ứng của các nền kinh tế khác trên thế giới. Phản ứng chính thức của Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, khi phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo Mỹ nên tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp kim loại Trung Quốc, Wen Xianjun, cho biết: “Các động thái của Mỹ đang đe dọa lật đổ trật tự thương mại quốc tế. Các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ có các biện pháp trả đũa”.
Ngay cả các quốc gia đồng minh của Mỹ cũng đang phản ứng khá gay gắt trước viễn cảnh ngành công nghiệp quan trọng của họ bị đe dọa. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko, tuyên bố với các phóng viên vào ngày 2.3 tại Tokyo: “Nhập khẩu thép và nhôm từ Nhật Bản, một quốc gia đồng minh, sẽ không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ. Tôi rất muốn truyền tải thông điệp đó với Chính phủ Mỹ nếu có cơ hội.”
Trong khi đó, quốc gia cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ tuyên bố điều này là không thể chấp nhận được; còn Liên minh châu Âu (EU) đang đe dọa sẽ kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Washington chính thức áp dụng mức áp thuế nói trên. Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo gọi động thái này của Mỹ là một sự thất vọng.
Theo dự báo, nếu Washington thực sự tăng mức áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu, nó sẽ dẫn đến một loạt các sự trả đũa thương mại đã được chuẩn bị từ trước ở một loạt các nền kinh tế khác. Trung Quốc đang thực hiện một cuộc điều tra liên quan đến lúa mìnhập khẩu từ Mỹ, và đang xem xét giảm nhập khẩu các sản phẩm từ đậu nành của nước này. Những điều tương tự gần như chắc chắn sẽ diễn ra ở EU, Nhật Bản, Canada hay các quốc gia Đông Nam Á.
Điều đáng chú ý là ngay cả các doanh nghiệp Mỹ, đối tượng được xem là sẽ hưởng lợi từ quyết định này của Tổng thống Trump, cũng đang lên tiếng phàn nàn. Một loạt các doanh nghiệp Mỹ, từ nhà sản xuất bia MillerCoors cho đến hãng sản xuất bánh kẹo Hershey vốn có mức sử dụng nhôm khá cao, đều cho biết hoạt động của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này nếu nó xảy ra. MillerCoors cho biết: “Chúng tôi nhập khá nhiều loại nhôm để dùng trong sản xuất, tuy nhiên nếu tăng thuế thì chúng tôi chỉ có thể mua nhôm từ các nguồn trong nước, mà điều này thì sẽ không đủ, hoặc sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Người lao động và tiêu dùng Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng do sự điều chỉnh thuế quan sai lầm này.” Nhà kinh tế trưởng của Bloomberg, Tom Orlik, cho biết: “tổng kim ngạch xuất khẩu thép và nhôm của Trung Quốc bằng khoảng 0,5% GDP, phần lớn là thép. Ngay cả khi tăng mức áp thuế lên mức 45% như ông Trump đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử, thì tác động thực của nó cũng sẽ khá hạn chế”.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)