Xem xét bổ nhiệm giáo sư: một phần của câu chuyện tự chủ đại học
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:35, 04/03/2018
Một chủ đề không mới nhưng lại đang nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội những ngày vừa qua, đó là câu chuyện về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2017.
Cũng giống như câu chuyện cải cách giáo dục, đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần và không ít lần tranh cãi nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải một cách thấu đáo. Có lẽ một phần lý do là vì chúng ta đang xem xét nó như một vấn đề độc lập, trong khi lẽ ra việc cần làm là đưa nó vào bức tranh tổng thể củanền giáo dục Việt Nam, trong đó đặc biệt quan trọnglà câu chuyện tự chủ đại học. Có lẽ, sẽ chẳng thể giải quyết dứt điểm được vấn đề phong GS và PGS nếu như chưa thể giải được bài toán tự chủ đại học thực sự.
Nguồn gốctranh cãi xung quanh vấn đề bổ nhiệm GS và PGS nổ ra lần này trên thực tế khá đơn giản. Lý do khiến xã hội quan tâm đến vấn đề này bắt nguồn từ việc danh sách được phongGS và PGSnăm 2017 lên tới 1.226 người, tăng gần 60% so với con số 702 của năm 2016 và là mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua.
Điều này khiến dư luận xã hội cho rằng chất lượng và quy trình xét duyệt đang sụt giảm mạnh, ít nhiều liên quan đến các vấn đề khác của ngành giáo dục. Lý giải vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết nguyên nhân là vì thời gian kết thúc nộp hồ sơ phong GS, PGS năm 2017 dài thêm 6 tháng theo quy chế mới, nên số ứng viên đủ điều kiện tăng lên, và điều này không liên quan gì đến chất lượng ứng viên nộp hồ sơ (theo The Saigon Times). Điều này có thể đúng, nhưng về một góc độ khác thì đây là một cơ hội để nghiêm túc xem xét lại một vấn đề đã gây tranh cãi suốt nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh cải cách nền giáo dục Việt Nam đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Trước hết, cần thừa nhận rằng quan điểm về chức danh GS và PGS của Việt Nam khác hoàn toàn, nếu không muốn nói là trái ngược, với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo thông lệ quốc tế, GS (và PGS) là chức danh dành cho những người làm khoa học và giảng dạy trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học; những người làm công tác quản lý cũng có thể là GS hoặc PGS nhưng đó là do trước đó họ đã làm công tác nghiên cứu, giảng dạyvà được phong chức danh khi thực hiện công tác này.
Còn ở Việt Nam, GS và PGS lại mang tính vinh danh và ở một góc độ khác là một yếu tố hỗ trợ việc thăng quan tiến chức. Việc phong GS và PGS ở Việt Nam hiện nay gần giống như việc đỗ đạt và vinh quy bái tổ thời phong kiến: Một người muốn được phong GS phải thông qua một hội đồng xét duyệt của Nhà nước, và nếu thông qua thì được Nhà nước tổ chức trao chứng nhận rất rình rang.
Xét theo khía cạnh lịch sử, thì đây có thể xem như một hệ lụy kéo dàicủa thời kỳ bao cấp khi Nhà nước nắm giữ trong tay hầu như mọi công việc quan trọng ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó có việc xem xét phong GS và PGS. Trong khi theo thông lệquốc tế, thì việc xem xét phong GS và PGS thuộc về các trường đại học và viện nghiên cứu nơi cá nhân đó làm việc, chủ yếu là để xây dựng chế độ đãi ngộ cho từng cấp bậc.
Chức danh GS và PGS vì thế chỉ có giá trị trong phạm vi trường đại học và viện nghiên cứu đó, một GS ở trường đại học này hoàn toàn có thể làm trợ lý cho một PGS ở một trường khác có trình độ cao hơn. Nói cách khác, GS và PGS tại hầu hết các nước không phải là chức danh Nhà nước, mà mang tính chuyên môn nhằm hướng tới việc nghiên cứu và phục vụ công tác giảng dạy.
Có thể thấy rằng, nếu muốn cải cách giáo dục Việt Nam theo hướng đi của các nước phát triển trên thế giới thì một trong những việc cần làm là trả lại quyền xét duyệt chức danh GS và PGS cho các trường đại học và nghiên cứu. Điều này vì thế đồng nghĩa với việc nó là một phần của câu chuyện tự chủ đại học. Một khi đại học chưa thể tự chủ theo đúng nghĩa mà vẫn phải phụ thuộc vào các bộ ngành, thì dù có chuyển quyền xét duyệt GS và PGS về cho trường đại học thì cũng chỉ mang tính hình thức, vì bộ ngành vẫn có thể can thiệp và làm biến tướng công tác xét duyệt chức danh nói trên.
Hiện nay dù đã thí điểm tự chủ đại học ở một số trường nhưng trên thực tế vẫn chỉ mang tính nửa vời, do các trường vẫn chịu sự ràng buộc của hàng loạt bộ luật, từ Luật Cán bộ công chức cho đến Luật Xây dựng,… Có những câu chuyện dở khóc dở cười như một số trường đại học dù được trao quy chế thí điểm tự chủ nhưng muốn lát cái sân gạch lấy chỗ để xe cũng vẫn phải xin phép cơ quan cấp trên dù chi phí do trường bỏ ra, vì vướng Luật Xây dựng.
Một số quan điểm cho rằng, kể cả khi cho phép các trường đại học tự chủ thì việc trao quyền xét duyệt chức danh GS và PGS cho nhà trường cũng nhiều khả năng sẽ gây ra tình trạng lan tràn các chức danh này trong xã hội, thậm chí còn hơn cả việc Nhà nước giữ quyền này thông qua hội đồng chức danh.
Đúng là điều đó có thể xảy ra, vì nhiều vị trí trong trường đại học có thể sử dụng các mối quan hệ nội bộ để đạt được các chức danh này. Về một góc độ nhất định, đó là điều không thể tránh khỏi như bất cứ một giai đoạn giao thời nào cũng sẽ tạo ra một sự lộn xộn nào đó. Nhưng về lâu dài, khi sự tự chủ của trường đại học được củng cố, và các quy định trở nên chặt chẽ hơn, thì việc xét duyệt chức danh này sẽ tự động được kiểm soát hiệu quả trong nội bộ trường đại học đó. Còn hơn là tiếp tục cách xét duyệt vừa lạc hậu vừa kém hiệu quả hiện nay, vì kể cả có không cải cách thì hiện nay cũng đã quá tràn lan các chức danh GS và PGSrồi. Lo ngại tình trạng lan tràn chức danh nếu giao cho trường đại học quyền xét duyệt vì thế cũng gần giống với việc sợ bị ướt khi học bơi vậy.
Nhàn Đàm