VPCP lần thứ 6 yêu cầu Bộ Công an giải quyết vụ chìm cano ở Cần Giờ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:18, 05/03/2018
Theo đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 8370 ngày 14.10.2015 và số 10345 ngày 30.11.2016, đồng thời xem xét và xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam (AlphaECC) theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.2018.
Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ trước đó, AlphaECC cho biết đã có dự án đầu tư tại Myanmar từ năm 2013 và sẽ hợp tác với đối tác Myanmar, Ấn Độ để thành lập doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ dầu khí tại thị trường Myanmar. Hiện doanh nghiệp tại Myanmar gặp rất nhiều khó khăn và phía Myanmar đã nhiều lần mời ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc AlphaECC sang. Tuy nhiên ông Đảo không thể xuất cảnh vì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cấm xuất cảnh từ năm 2013 đối với vụ án chìm ca-nôở Cần Giờ.
Đơn nêuđó là một vụ tai nạn xảy ra vào năm 2013 do thời tiết xấu và ca-nô chở quá số người quy định nhưng cơ quan điều tra lại khởi tố người sản xuất ra phương tiện, với lý do đưa công nghệ mới PPC vào sản xuất và bán cho lực lượng vũ trang.
Liên quan đến vụ án trên, Văn phòng Chính phủ trước đó đã 5 lần ra công văn chỉ đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, UBNDTP.HCM…và tòa án đã 2 lần trả hồ sơ vì không có căn cứ xét xử.
“Tình trạng lạm dụng quyền lực trong hoạt động tố tụng để hành dân và doanh nghiệp là không thể chấp nhận được, nó làm suy giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền, đi ngược lại chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đang thực hiện”, văn bản nêu.
Cuối năm ngoái, Ban Nội chính Trung ương cũng đã có Công văn số 5220-CV/VPTW về đơn kêu oan cho 2 bị can trong vụ án này. Trong đó nêu rõ5 năm qua, cơ quan tố tụng đã truy tố tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, Tòa án Nhân dân TP.HCM không chấp nhận cáo trạng, đã trả lại hồ sơ 2 lần, tuy nhiên vụ án vẫn bị treo, kéo dài, chưa cơ quan nào xử lý dứt điểm. Theo đó, Ban Nội chính Trung ương đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM xử lý dứt điểm vụ án này.
Ngày 2.8.2013 đãxảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng TàuMaria bị khởi tố về tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phản đối kết luận của cơ quan điều tra và nêu rõ, tai nạn giao thông là điều không may mắn và có nguyên nhân cụ thể, không thể chứng minh tội phạm bằng việc suy diễn ông Vũ Văn Đảo đã đưa công nghệ mới vào sản xuất và bán tàu thuyền cho lực lượng vũ trang là tội phạm. Bản kết luận điều tra chứng minh tội phạm như trên là không có căn cứ pháp lý và không ai có thể chấp nhận kết luận chứng minh tội phạm như trên.
“Như vậy đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy các quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Vũ Văn Đảo. Việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề cho các bên liên quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư Vũ Văn Đảo”, Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng kiến nghị giải quyết dứt điểm oan sai, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; không vì hậu quả vụ tai nạn mà tùy tiện khởi tố người sản xuất ra phương tiện giao thông.
“Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan tố tụng nhưng không vì thế mà vi phạm các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, ngâm án, treo án, làm oan người vô tội, hành dân và doanh nghiệp”, VCCI nêu.