Loại tài sản kiểu 'biệt phủ buôn đót, nuôi heo' sẽ bị truy thu thuế bất minh 45%?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:49, 05/03/2018
Kiểm soát tài sản cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ra sao?
Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết gồm: ĐBQH, HĐND các cấp; người ứng cử ĐBQH, HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, DNNN hoặc giữ chức danh quản lý trong các DN có vốn nhà nước.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm cán bộ này. Mọi trường hợp phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự luật chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan đảng mà áp dụng các quy định của luật Phòng chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung.
Cũng theo ông Khái, dự thảo Luật giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở cả trung ương và địa phương; thanh tra bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập các đối tượng còn lại.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cơ quan quản lý kiểm soát tài sản thu nhập nên được phân chia, không nên tập trung vào một đầu mối để tránh quá tải cho hoạt động của cơ quan thanh tra. Đồng thời không làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan hành pháp và tư pháp.
Theo đó, tùy đối tượng cán bộ, công chức mà giao cơ quan quản lý kê khai tài sản, thu nhập phù hợp thay vì tập trung ở cơ quan thanh tra. Trong trường hợp cần có một cơ quan quản lý tập trung thì nên giao cho Kiểm toán Nhà nước – cơ quan do Quốc hội thành lập, có đủ chức năng nhiệm vụ và trình độ, kỹ năng trong quản lý, xác minh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, điều quan trọng nhất của kiểm soát tài sản, thu nhập là kê khai và xác minh tài sản. Trong khi đó, thời gian qua, việc kê khai tài sản, thu nhập của các bộ công chức là không hiệu quả, tính khả thi thấp.
Theo ông Quyền, nguyên nhân là do pháp luật quy định giao quản lý bản kê khai, xác minh tài sản cho cơ quan tổ chức cán bộ - cơ quan này hạn chế chuyên môn nghiệp vụ trong việc xác minh kê khai tài sản. Trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước giao nhiệm vụ này cho cơ quan kiểm toán hoặc cơ quan điều tra thuế.
Vì vậy, vị này tán thành với quan điểm phải có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này với trình tự thủ tục đặc biệt, chặt chẽ; đồng thời đề xuất nên để cơ quan thanh tra hoặc Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ này.
Tài sản bất minh có thể bị đánh thuế 45%?
Theo ông Lê Minh Khái, dự thảo luật bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Theo đó, qua xác minh nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp ký thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
“Việc truy thu thuế này không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó có được do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có; người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về kết luận xác minh tài sản, thu nhập”, ông Khái nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm, theo các quy định của pháp luật, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp có thể bị tịch thu, tiêu hủy. Riêng đối với tài sản bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì vẫn chưa có quy định xử lý. Trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc dự thảo luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp. Bởi vì có trường hợp giải thích được nguồn gốc, có trường hợp không giải thích được và tính chất, mức độ các trường hợp khác nhau.
Lo ngại hợp pháp hóa tài sản
Ngoài ý kiến đồng tình với phương án trên, nhiều đại biểu cũng băn khoăn, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ công chức, viên chức trong kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính.
Theo đó, Nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức viên chức phải trung thực, minh bạch trong kê khai. Do đó, với tài sản không giải trình được, giải trình không hợp lý thì có thể áp dụng chế tài xử phạt của Nhà nước.
Hơn nữa việc truy thu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này là không đúng với bản chất của thuế thu nhập cá nhân và cũng không rõ là trong trường hợp này có thể tiếp tục xử lý hành vi trốn thuế hay không.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền, quyền về tài sản là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, là trong những quyền cơ bản của công dân. Việc xử lý tài sản của cá nhân, tổ chức phải thông qua con đường tư pháp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.
"Việc xử lý thông qua truy thu thuế trong trường hợp này là không hợp lý, không phù hợp với các quy định về thuế. Tài sản này không thuộc đối tượng chịu thuế. Mặt khác, xử lý theo cách này dễ dàng đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa tài sản”, ông Quyền nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng hiện Luật thuế thu nhập cá nhân không quy định điều này, do đó, đề nghị cơ quan trình dự án luật phân tích rõ cơ sở và tính pháp lý của quy định. Theo đó, Chính phủ cần có đánh giá thêm về vấn đề này, cần phải lấy ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành cơ quan hữu quan gửi đến Ủy ban Tư pháp để xem xét, tổng hợp toàn diện
Hoài Phong