Nhìn nhận điều gì từ việc Amazon vào Việt Nam?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:57, 06/03/2018

Sự gia nhập thị trường của những tập đoàn khổng lồ hàng đầu thế giới như Amazon ở một góc độ nhất định có thể xem là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng mặt khác, tác động mà những siêu tập đoàn như Amazon có thể tạo ra nếu có cũng không hề nhỏ.

Một trong những thông tin nhận được nhiều sự quan tâm nhất vài ngày gần đây là việc tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon của Mỹ có thể sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam ngay trong năm 2018.

Sự xuất hiện của Amazon được xem là điều sớm muộn sẽ diễn ra sau những nỗ lực mở rộng thị trường của tập đoàn này ở Ấn Độ và mới đây là Singapore – động thái được xem như bàn đạp để mở rộng ra toàn bộ thị trường các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, việc Amazon xâm nhập vào thị trường Việt Nam là điều đã được dự báo từ cách đây khá lâu. Thị trường châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng về cơ bản đang được xem như một chiến trường cho cuộc đọ sức giữa các tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ trên thế giới, như Amazon của Mỹ và các tập đoàn của Trung Quốc như Alibaba hay JD.

Mỗi động thái từ một tập đoàn tại thị trường này sẽ dẫn đến phản ứng cạnh tranh từ phía một tập đoàn khác. Trong đó, Amazon đang tỏ ra nhanh chân hơn các đối thủ Trung Quốc ở thị trường Ấn Độ, khi chính thức tiếp cận thị trường 1,3 tỉ dân này từ giữa năm 2014. Nhưng Alibaba lại nhanh chân hơn ở thị trường Đông Nam Á, khi vào mùa hè 2016 tập đoàn này đã bỏ ra khoảng hơn 2 tỉ USD để nắm quyền kiểm soát Lazada – công ty thương mại điện tử được thành lập cách đó 5 năm ở Singapore và đang có mạng lưới kinh doanh trải rộng ở 6 nước trong khu vực.

Phải đến giữa năm 2017 Amazon mới khai trương dịch vụ của mình ở Singapore và cũng chỉ giới hạn trong thị trường nội địa của đảo quốc nhỏ này. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng việc giới hạn phạm vi hoạt động ở Singapore là một sự thử nghiệm của Amazon trước khi tiến vào các thị trường khác của khu vực Đông Nam Á.

Theo dự báo của Google và Temasek Holdings (quỹ đầu tư của Singapore), doanh thu từ thương mại điện tử ở Đông Nam Á có thể lên tới 88 tỉ USD vào năm 2025 (theo The Saigon Times), một con số rất lớn đủ hấp dẫn cả Amazon lẫn các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba.

Vì thế, cũng chẳng có gì lạ nếu như Amazon đang có dấu hiệu sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam trong tương lai gần, khi tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm của Việt Nam đang lên tới 25%, chưa kể đây là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân và số lượng người sử dụng thanh toán trực tuyến tương đối lớn.

Về nhiều góc độ, sự hiện diện của Amazon có thể đem lại nhiều tác động tích cực cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng Việt Nam – đối tượng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Amazon gia nhập thị trường. Tuy nhiên, cần những đánh giá sâu hơn về những tác động có thể xảy ra với nền kinh tế nếu Amazon thực sự hiện diện ở thị trường Việt Nam.

Trước hết, có sự khác biệt lớn giữa cách thức hoạt động của Amazon với Alibaba -tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc đã có mặt ở thị trường Việt Nam thông qua Lazada, công ty đã bị Alibaba thâu tóm từ mùa hè 2016. Trong khi Alibaba và Lazada sử dụng nền tảng các công nghệ thương mại điện tử thông qua Internet như một đối tác trung gian để kết nối các nhà cung cấp bên ngoài với người mua hàng, thì Amazon lại xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình.

Alibaba và Lazada vận chuyển, giao hàng và thu tiền thông qua các hệ thống giao nhận sẵn có như các bưu cục địa phương ở Việt Nam, các cửa hàng tiện ích ở Malaysia hay các trạm xăng ở Philippines (theo The Saigon Times), thì Amazon tự xây dựng chuỗi vận chuyển của riêng mình. Hiểu một cách đơn giản, Alibaba và Lazada chủ yếu giữ vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng, kết nối người bán và người mua thông qua công nghệ và vận chuyển hàng đến tay người mua thông qua các hệ thống giao nhận có sẵn. Còn Amazon tự xây dựng các kho hàng, dự trữ hàng hóa và các dịch vụ chuyển phát nhanh. Nói cách khác là Amazon tự thực hiện từ A-Z, ngoại trừ công đoạn sản xuất mà thôi.

Sự khác biệt trong cách thức hoạt động này có thể dẫn tới những hệ quả khác nhau đối với một thị trường và nền kinh tế, nhất là khi quy mô của thương mại điện tử đang ngày càng gia tăng. Vì chỉ đóng vai trò kết nối mang tính trung gian, nên những tác động của Alibaba và Lazada đối với các lĩnh vực sản xuất và vận tải phần nào đó mang tính giới hạn.

Tuy nhiên, Amazon lại khác hoàn toàn. Việc tự xây dựng các kho hàng cũng như dự trữ hàng hóa của Amazon có thể tác động mạnh tới hàng loạt các lĩnh vực của nền kinh tế, chẳng hạn như xuất nhập khẩu. Chẳng hạn như việc người tiêu dùng Việt Nam hiện nay có xu hướng chuộng hàng tiêu dùng của Thái Lan hay Hàn Quốc, có thể dẫn đến việc Amazon sẽ tăng nhập khẩu các mặt hàng này cho những kho hàng và kho dự trữ của mình. Điều này có thể khiến kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng lên đáng kể.

Ở một góc độ khác, sự hiện diện của Amazon đúng là cũng sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, nhưng nó chỉ có tác động lớn khi bản thân hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng tại các thị trường lân cận. Nói cách khác, sự xuất hiện của Amazon sẽ khiến các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam được khuếch đại lên, kể cả các vấn đề tích cực lẫn tiêu cực.

Mặt khác, việc tự xây dựng các dịch vụ chuyển phát của Amazon cũng sẽ đe dọa những phương thức giao hàng truyền thống của Việt Nam hiện nay, như các kênh bưu cục hoặc các dịch vụ chuyển phát tư nhân. Chưa kể, Amazon cũng có thể khiến những hoạt động bán lẻ ở Việt Nam bị tác động nặng nề, tương tự như những gì Alibaba và các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đã làm ở nước này.

Rõ ràng là, cần thiết phải có một sự đánh giá tổng quát, đầy đủ và cụ thể những tác động mà một tập đoàn thương mại khổng lồ như Amazon có thể tạo ra khi xâm nhập thị trường Việt Nam hơn là cách tiếp cận tương đối một chiều như hiện nay.

Nhàn Đàm

Nhàn Đàm