Tướng Mỹ cảnh báo Trung Quốc nếu cố kiểm soát cảng biển Djibouti
Quốc tế - Ngày đăng : 18:59, 07/03/2018
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 6.3, tướng Waldhauser nói trường hợp Trung Quốc đặt ra những hạn chế trong việc sử dụng DCT, khả năng tiếp vận cho căn cứ Mỹ tại Djibouti và tiếp liệu cho tàu hải quân nước này đều sẽ bị ảnh hưởng.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Bradley Byrn cũng có chung nỗi lo với tướng Waldhauser. Ông Byrn đánh giá hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng, quốc hữu hóa DCT của chính quyền Djibouti là bất hợp pháp.
Trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, nghị sĩ này đã bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Djibouti và tác động của nó đến những tài sản quân sự, tình báo của Washington tại đây.
Vai trò và sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi là chủ đề nổi bật tại phiên điều trần ngày 6.3, sau khi các nghị sĩ biết được thông tin chính quyền Djibouti quyết định quốc hữu hóa DCT và có thể giao lại việc hợp đồng cho một nhà thầu Trung Quốc.
Djibouti có vị trí chiến lược khi nằm tại cửa ngõ vào Biển Đỏ ở phía nam, trên đường đi đến kênh đào Suez. Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ả Rập Saudi, Nhật Bản đều có căn cứ quân sự tại đất nước châu Phi này, riêng căn cứ của Trung Quốc sát gần DCT.
Căn cứ của Mỹ tại Djibouti có khoảng 4.000 nhân sự, trong đó có các đơn vị đặc nhiệm. Cơ sở này đóng vai trò là “bàn đạp” cho các hoạt động của quân đội Washington tại Yemen và Somalia.
Tướng Waldhauser cho biết: “Có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn lập thêm vài cơ sở bổ sung, đặc biệt là ở bờ đông (châu Phi). Những gì xảy ra ở Djibout chỉ là sự khởi đầu”.
Cũng theo ông, Mỹ sẽ không thể sánh bằng Trung Quốc khi xét đến quy mô đầu tư vào châu lục này. Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng bằng cách đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, thậm chí xây cả trung tâm thương mại, tòa nhà chính phủ và sân bóng đá, và tăng cường quan hệ thương mại.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 6.3 khẳng định trong khi đầu tư của Mỹ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho châu Phi, thì đầu tư của Trung Quốc chỉ “khuyến khích sự lệ thuộc”.
Tướng Waldhauser cho biết ông sẽ chú ý hơn đến yếu tố Trung Quốc khi định hình lại chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực. “Trung Quốc đã hiện diện tại châu Phi trong một thời gian không ngắn, nhưng chúng ta vẫn chưa đối phó được trên phương diện lợi ích chiến lược”, tư lệnh USAC đánh giá.
Cẩm Bình (theo SCMP)