Công nghệ mới là lĩnh vực Donald Trump cần dè chừng Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 05:48, 08/03/2018

Ở thời điểm hiện tại, công nghệ mới là lĩnh vực mà Tổng thống Donald Trump cần phải quan tâm nhiều hơn nếu muốn Mỹ giữ vị trí siêu cường trước áp lực từ Trung Quốc. Thay vì cáo buộc Bắc Kinh vi phạm sở hữu trí tuệ, đã đến lúc nước Mỹ cần phải thừa nhận nền kinh tế số hai thế giới như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm về công nghệ.

Những quan điểm kiểu như Trung Quốc chỉ giỏi sao chép mỗi khi nhắc đến lĩnh vực công nghệ, giờ đây đã lỗi thời. Trung Quốc hiện đang là một trong những quốc gia tiên tiến nhất về công nghệ. Hiện tại, quy mô giao dịch qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của Trung Quốc hiện đang lớn nhất thế giới, khả năng tính toán dữ liệu của nước này cũng nhanh nhất, thị phần xe điện lớn nhất và mạng lưới đường sắt cao tốc tiên tiến nhất.

So sánh đơn lẻ ở một số khu vực tập trung công nghệ cao, Trung Quốc đang có những khu công nghệ có trình độ tương đương với Thung lũng Silicon của Mỹ. Với mức độ tập trung lên tới 41% trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chỉ số MSCI của Trung Quốc đã vượt trội so với chỉ số Composite Thượng Hải vốn đang tập trung những cổ phiếu nổi trội nhất trong lĩnh vực tài chính của nước này. Công nghệ, chứ không phải tài chính hay sản xuất, mới đang là tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.

Do đang sở hữu một dân số có tốc độ già hóa nhanh trong khi tỷ lệ sinh vẫn còn khá thấp, các khoản nợ công gia tăng còn lợi nhuận thu được từ lĩnh vực sản xuất đang có xu hướng giảm, Trung Quốc đang đặt cược tương lai của nền kinh tế vào việc gia tăng năng suất và đổi mới công nghệ như những giải pháp mang tính sống còn. Và những nỗ lực phát triển công nghệ của nước này đang tạo ra những thành quả thực sự đáng kinh ngạc, nhưng lại ít được thế giới chú ý đến do sự chủ quan và thiên kiến trong cách nhìn nhận:

1. Trung Quốc đã nhân bản thành công một đôi khỉ vào tháng 1.2018.
2. Trong số 4.500 gian hàng tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng hàng năm ở Las Vegas vào ngày 8.1 vừa qua, hơn 1/3 trong số đó là đến từ Trung Quốc.
3. Trong năm 2016 tổng quy mô các khoản thanh toán di động của Trung Quốc đạt trên 9.000 tỉ USD, trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 112 tỉ USD (theo tờ Wall Street Jourrnal).
4. Nhiều kỹ sư Trung Quốc làm việc ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang quay trở về Trung Quốc để tận dụng chương trình Thousand Talents Program do chính phủ nước này thực hiện, trong đó cung cấp các khoản đầu tư mạo hiểm, trả lương cao hơn và cả nhà ở miễn phí cho những người bắt đầu khởi nghiệp ở quê nhà.
5. Số liệu thống kê của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2016 cho thấy, số lượng đăng ký sáng chế và các bài báo nghiên cứu của Trung Quốc đang xếp thứ ba toàn cầu, chỉ còn đứng sau Mỹ và Nhật Bản mà thôi.
6. Tính đến tháng 9.2017, Trung Quốc đang xếp thứ hai thế giới về số lượng các unicorn – thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp (start-ups) được định giá từ 1 tỉ USD trở lên, chỉ xếp sau Mỹ.

Những thành tựu về công nghệ của Trung Quốc hiện tại là điều khó có thể phủ nhận. Tờ China Daily thậm chí còn đưa tin rằng đang có “4 phát minh mới” (một cách chơi chữ từ tứ đại phát minh trong quá khứ của Trung Quốc bao gồm: giấy, thuốc súng, la bàn và nghề in) đang được phát triển ở nước này hiện tại, đó là: những chiếc xe đạp chia sẻ không khóa lớn nhất thế giới, mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, Alipay – dịch vụ thanh toán trực tuyến và di động lớn nhất thế giới do tập đoàn Alibaba cung cấp, và thị trường thương mại điện tử lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã khuyến khích các công ty gia tăng tính cạnh tranh trên quy mô toàn cầu ở những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, thông qua việc cung cấp các cơ sở nghiên cứu phát triển và cải tiến do nhà nước tài trợ.

Ngoài ra, nó còn đến từ việc mua lại các công nghệ mới trên khắp thế giới và mời các tập đoàn và công ty đa quốc gia thành lập các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) ở thị trường Trung Quốc.

Hiện mức thuế đối với các công ty công nghệ cao ở Trung Quốc chỉ là 15% - một mức khá thấp và khá hấp dẫn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Trung Quốc cũng đang bị đánh giá là một con dao hai lưỡi. Khi bảo bọc các công ty công nghệ quá kỹ, thì có thể khiến những doanh nghiệp này giảm khả năng cạnh tranh hoặc chậm trễ trong việc cập nhật và đổi mới.

Trung Quốc hiện cũng đang có khá nhiều lợi thế về lâu dài. Đó là số lượng tài năng lớn và có chi phí vẫn còn khá thấp. Hiện có khoảng 7 triệu sinh viên công nghệ Trung Quốc tốt nghiệp mỗi năm, và ở cùng trình độ thì những kỹ sư Trung Quốc thường có lương thấp hơn so với ở Mỹ.

Việc không có thói quen sử dụng thẻ tín dụng trong quá khứ cũng khiến cho việc áp dụng thanh toán di động trở nên nhanh chóng. Và việc không có những quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin đang khiến cho các công ty Trung Quốc có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu để phục vụ quảng cáo và thương mại điện tử. Đồng thời, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao là một trong những nguồn cung cấp vốn mạo hiểm hữu dụng.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như trong tương lai gần, công nghệ sẽ trở thành lĩnh vực tiếp theo nằm trong danh sách bị mất nhiều việc làm nhất của Mỹ vào tay Trung Quốc. So với ngành thép đang ngày càng giảm quy mô và số lao động, thì ngành công nghệ có giá trị gia tăng lớn và sử dụng nhiều lao động mới là lĩnh vực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải bận tâm nếu muốn Mỹgiữ vị trí siêu cường trước áp lực từ Trung Quốc.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nhàn Đàm