Cố vấn của ông Tập không biết sẽ gặp ai để bàn về thương mại khi đến Mỹ

Quốc tế - Ngày đăng : 08:35, 09/03/2018

Trong chuyến thăm Washington tuần trước, ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mang theo nhiệm vụ quan trọng là tìm hiểu xem cần tiếp xúc với quan chức nào trong chính quyền Tổng thống Trump để giải quyết căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, những thay đổi trong Nhà Trắng đã cản trở nỗ lực này của Bắc Kinh.

Thông tin trên được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhiều nguồn tin tiết lộ. Một trong các nguồn tin cho biết phía Trung Quốc vốn dĩ muốn lập nhiều điểm liên lạc trong chính quyền Washington, bao gồm ông Jared Kushner, con rể và cố vấn thân cận của Tổng thống, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Tuy nhiên, tương lai của Kushner tại Nhà Trắng lại đang bất định khi ông không còn được xem báo cáo tình báo gửi đến Tổng thống hằng ngày vì vấn đề xin quyền miễn trừ an ninh, trong khi đó ông Ross lại bị “gạt ra ngoài lề”, còn ông Mnuchin chủ yếu chỉ lo đến các vấn đề trong nước, theo nguồn tin.

Không những vậy, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vốn có lập trường không ưa Trung Quốc nên ít quan tâm đến việc hợp tác với quốc gia châu Á này. Bắc Kinh cũng đã thử tìm đến Gary Cohn, người ủng hộ toàn cầu hóa thương mại duy nhất kề cận Tổng thống Trump, nhưng rốt cuộc ông đã thông báo từ chức vào ngày 6.3, và người được cho sẽ thay thế ông giữ vị trí đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ là Peter Navarro, một người luôn chỉ trích Bắc Kinh.

Một nguồn tin ngoại giao còn cho biết Trung Quốc còn cố gắng hợp tác với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nhưng có vẻ như nhân vật này không được Tổng thống tin tưởng hoàn toàn. Theo nguồn tin trên: “Trung Quốc không xác định được ai có thể tiếp cận và gây ảnh hưởng đến Tổng thống Trump. Đội ngũ của ông Trump không ổn định, và chúng tôi không biết nên bàn luận với ai”.

Các nguồn tin khác tiết lộ Bắc Kinh thậm chí đã bị “làm khó” trước khi tới Washington. Theo dự kiến thì ông Lưu sẽ dẫn theo phái đoàn lên đến 40 người đến Mỹ đối thoại, nhưng do phía Mỹ phản đối nên số lượng bị giảm xuống chỉ còn 10 người.

Trung Quốc từng tìm đến ông Gary Cohn, nhưng ông đã tuyên bố từ chức - Ảnh: EPA-EFE

Truyền thông Trung Quốc đưa tin khá tích cực về chuyến thăm này. Tờ Thanh niên Bắc Kinh ngày 7.3 dẫn lời ông Lưu tuyên bố Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn chiến tranh thương mại xảy ra, và tiếp xúc giữa hai nước sẽ được tiếp tục.

Tuy nhiên, không chỉ không thiết lập được các điểm liên lạc trong chính quyền Washington, kế hoạch khôi phục Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung (CED) cũng thất bại.

Ông Scott Kennedy, thành viên cao cấp của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS), cho biết: “Ông Lưu Hạc đã không đạt được những mục tiêu đề ra: khôi phục CED, xác định đối tác để bàn luận, hay lấy được danh sách những yêu cầu từ Mỹ. Phía Mỹ chỉ đề cập đến một vài vấn đề cần khắc phục”.

“Tại Washington không có một người được chỉ định chuyên phụ trách chính sách với Trung Quốc, và không có tiến trình đối thoại chính thức nào đang diễn ra. Phòng phụ trách CED trong Bộ Tài chính Mỹ đã không còn tồn tại”, ông Kennedy nói thêm.

Ông Kennedy cũng đánh giá: “Cả hai bên đều đang rất tự tin về vị trí của mình trong tương quan với bên kia, cả hai đều nghĩ bên kia là “hổ giấy”. Khả năng khiến tình hình này bùng nổ thành một cuộc xung đột lớn hơn là rất cao. Nếu muốn thắng trong một cuộc chiến thương mại, Mỹ không nên cứng rắn mà phải thông minh”.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Cẩm Bình