TS Lê Đăng Doanh: Vào CPTPP, DN phải bỏ kiểu kiếm lợi ‘đi đêm’ với quan chức

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:50, 10/03/2018

Nhiều chuyên gia cho rằng bước vào cuộc chơi hội nhập, Việt Nam có cơ hội nhưng tận dụng được cơ hội hay không lại là chuyện khác. Do đó, cả nhà nước lẫn doanh nghiệp cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết vào rạng sáng 9.3 (giờ Việt Nam). Tuyên bố chung cho rằng hiệp định này sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đầu tư cho khoa học và nhân lực

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương cho rằng đây là hiệp định rất quan trọng, mở ra thị trường rất rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng có cải tiến rất nhiều điều kiện kinh doanh, luật pháp… Theo đó, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu rất kỹnội dung của hiệp định cũng như các quy định của pháp luật liên quan để tuân thủ đúng đắn.

Theo chuyên gia này, với sự hội nhập cao, doanh nghiệp có thêm thị trường rộng lớn. Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tìm ra những đối tác phù hợp và thuận lợi nhất cho mình. Trên cơ sở đó, phải xác định rõ mặt mạnh, yếu của mình và nhìn nhận rõ đâu là cơ hội, đâu là thách thức.

“Một trong những mấu chốt là doanh nghiệp cần phải đầu tư vào khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao độ, đây là những 'bảo bối'cho doanh nghiệp có thể trụ vững và tiến xa hơn”, ông Doanh nói.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo các doanh nghiệp về việc giữ kiểu làm ăn dựa trên mối quan hệ với cơ quan công quyền, quan chức.“Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn tìm cách kiếm lợi nhanh bằng cách tiếp cận với một số thế lực có quyền hành. Trên cơ sở đó, họ nghĩ họ có thể được lợi và sẽ dễ dàng có lợi nhuận cao”.

Nhưng ông Doanh cho rằng điều này chỉ vận dụng được ở thị trường trong nước, nếu muốn cạnh tranh quốc tế hoặc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong nước thì việc đi đêm với quan chức không giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

“Họ thu lợi nhiều khi dựa vào trốn thuế, ân huệ, chênh lệch giá… thì không bền vững, không đi lên bằng năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần phải nhìn thấy rõ đây là điểm yếu chết người của mình”, ông Doanh nói.

Đối với kinh tế hộ gia đình, ông Doanh cũng bày tỏ sự băn khoăn khi khu vực này đang đóng góp 33% GDP, sử dụng 47% lao động nhưng việc áp dụng khoa học - công nghệ, quản trị hiện đại… vẫn không được chú trọng thực hiện. nhiều hộ kinh doanh có quy mô rất lớn lên tới hàng trăm lao động, doanh thu hàng trăm tỉ nhưng không chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Điều này sẽ rất khó trong việc cạnh tranh quốc tế.

Còn đối với Nhà nước, chuyên gia này cho rằng phải thực hiện nghiêm chỉnh và kịp thời những cam kết Việt Nam đã tham gia. Đó là điều mà các doanh nghiệp, các đối tác mong đợi. Trong đó có các vấn đề mua sắm của Chính phủ, các thủ tục phải công khai minh bạch, các điều kiện về lao động, luật pháp phải phù hợp với những cam kết.

Ông Doanh đánh giá điều này cũng là bước tiến khá quan trọng của hiệp định này và hy vọng rằng, từ đó môi trường kinh doanh, luật pháp sẽ được cải cách mạnh mẽ hơn.

Lợi ích không chia đều

Trao đổi với báo chí, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các nước trong CPTPP mở cửa cho Việt Nam gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Cùng với đó, rào cản phi thuế quan cũng được giảm đi nhiều, nhất là đối với những nước đã có hiệp định song phương.

Ông Thái cũng nhận định, lợi ích tại hiệp định này không chia đều cho các lĩnh vực. Với Việt Nam, trong đàm phán đã tập trung vào mặt hàng liên quan đời sống của đa số người dânnhư thủy sản, hải sản, dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm… Ngược lại, CPTPP cũng khiến Việt Nam phải đối đầu cạnh tranh ở mức cao hơn. Lĩnh vực dự kiến có cạnh tranh lớn là ngành chăn nuôi, đặc biệt thịt gà, thịt heo…

"Nếu không cạnh tranh được thì từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành ta có lợi thế cạnh tranh, từ ngành chưa hiệu quả sang ngành hiệu quả. Lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài ở hiệp định này cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuẩn bị. Đây là luận điểm quan trọng để ta có điều kiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi hơn", ông Thái nói.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng CPTPP sẽ góp phần làm cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều với lộ trình giảm thuế. Quan trọng hơn là Việt Nam có thể nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao với giá rẻ hơn từ các nước có trình độ cao về các sản phẩm công nghệ, kỹthuật.

Ông Thịnh cũng cho rằng, CPTPP có 20 điều khoản đã được tạm hoãn không kýkết chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ, vật liệu mới, công đoàn... Điều này cũng khiến áp lực cạnh tranh, thực thi điều khoản dễ dàng, phù hợp hơn, tương đương trình độ của Việt Nam.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), khi triển khai thực hiện CPTPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực. Việc sửa đổi phải vừa có thể bảo đảm tuân thủ cam kết CPTPP, vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam.

“Đối với doanh nghiệp, thực thi các quy định pháp luật theo cam kết tiêu chuẩn cao của CPTPP sẽ phát sinh những chi phí, tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp. Đây mới chính là thách thức thực tiễn lớn nhất của việc thực thi các cam kết”, bà Trang nhấn mạnh.

Phát biểuvới báo giới,Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, yếu tố then chốt và quan trọng là việc rà soát khuônkhổ pháp lý, “nội luật hóa” cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định - cần làm liên tục ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về Hiệp định cũng như chương trình hành động, xác định rõ nhiệm vụ của từng bộ phận để có sự tham gia, mang tính chủ động. Yếu tố tham gia mang tính chủ động là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế khi hội nhập.

Hoài Phong

Trí Lâm