Gia nhập CPTPP: Thực phẩm, đồ uống, may mặc, da giày...những ngành có nhiều lợi thế
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:53, 11/03/2018
Sau khi Việt Nam cùng 10 nước thành viên trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương hoàn thành việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile vào sáng 9.3, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về lợi ích kinh tế cũng như thách thức của Việt Nam khi tham gia hiệp định này.
Mặc dù không có Mỹ tham gia nhưng CPTPP vẫn được xem là hiệp định có tác động toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhiều ngành được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao về sản lượng như: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may...
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết ở các ngành như: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, hóa chất, sản phẩm da và nhựa, thiết bị, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị khác... sản lượng xuất khẩu sẽ đạt mức cao nhất. Cụ thể, tính đến năm 2030, xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỉ USD lên 80 tỉ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng ở các ngành thực phẩm và đồ uống, thuốc lá và may mặc, hàng da và dệt may. Tính chung các ngành này sẽ tăng xuất khẩu lần lượt được 10,1 tỉ USD, 6,9 tỉ USD và 0,5 tỉ USD. Nhìn chung, danh mục xuất khẩu giữa các ngành sẽ tập trung nhiều vào may mặc, hàng da và thực phẩm, đồ uống, thuốc lá
Chia sẻ với báo chí một ngày sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận địnhtrong số các lĩnh vực thì dệt may, da giày... sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Đáng chú ý, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam giảm 0,6 triệu người nghèo vào năm 2030. Với CPTPP, toàn bộ hàng công nghiệp sẽ đưa thuế nhập khẩu hàng Việt Nam về 0%, thậm chí có nước dành cho Việt Nam trên 90% mặt hàng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Nhật Bản.
"Hiện hàng xuất khẩu Việt Nam xuất sang các nước CPTPP chịu thuế suất trung bình 1,7%, nếu mức này về 0% thì lợi ích Việt Nam có được từ hiệp định này tương đối rõ dù Mỹ đã rút khỏi TPP. Chưa kể, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ hiệp định này, theo các tính toán, lợi ích này cao hơn nhiều. Ngân hàng Thế giới cho rằng, lợi ích trực tiếp mà CPTPP đem lại giúp GDP đất nước tăng thêm 1,1% vào năm 2030, còn gián tiếp là 3,6%", ông Thái chia sẻ.
Trước những lĩnh vực được hưởng lợi rõ ràng ở trên, ông Thái khuyến cáo các doanh nghiệp phải nỗ lực tốt hơn để tiếp cận các thị trường. Bởi bên cạnh những ngành Việt Nam có thế mạnh và được hưởng lợi thì lĩnh vực dự kiến có cạnh tranh lớn là ngành chăn nuôi, đặc biệt thịt gà, thịt lợn. Ngoài ra còn nhiều ngành khác chịu cạnh tranh.
Theo ông Thái, việc chuẩn bị của doanh nghiệp cũng sẽ phải tùy từng ngành, từng lĩnh vực. Minh chứng rõ nhất là khi Việt Nam tham gia FTA ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này, vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Khi đưa thuế về 0% thì 2 ngành này sẽ không thể phát triển được. Tuy nhiên, ngành sữa của Việt Nam đã phát triển mạnh. Vì vậy, CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để doanh nghiệp chuẩn bị. Một nhóm doanh nghiệp ở thế yếu hơn so với các doanh nghiệp khác theo ông Tháilà doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo đặc biệt lưu ý đến nhóm doanh nghiệp này để làm sao họ có thể tận dụng những cơ hội tốt nhất từ CPTPP.
Tuyết Nhung