Phía sau câu chuyện Trung Quốc gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch
Quốc tế - Ngày đăng : 09:58, 13/03/2018
Vào chiều ngày 11.3, các đại biểu Quốc hội của nước này đã bỏ phiếu thông qua dự thảo “Sửa đổi hiến pháp nước CHND Trung Hoa”. Trong số gần 3.000 đại biểu, chỉ có 5 phiếu là không ủng hộ thông qua dự thảo này mà thôi. Kết quả tán thành áp đảo này đồng nghĩa với việc mở đường choChủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình tiếp tục giữ cương vị sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2023.
Như nhiều quan chức Trung Quốc cũng như một số nhà phân tích đã chỉ ra, việc kéo dài nhiệm kỳ sẽ cho phép ông Tập thêm thời gian để ban hành các kế hoạch chỉnh đốn tổ chức của Đảng, gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, hạn chế các rủi ro của hệ thống tài chính và giảm ô nhiễm môi trường ở nước này.
Yanmei Xie, nhà phân tích chính sách Trung Quốc của Gavekel Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết: “Về lâu dài, điều này có thể sẽ đồng nghĩa với cả cơ hội lẫn nguy cơ. Những chính sách cứng rắn có thể cho hiệu quả, nhưng nguy cơ mắc sai sót cũng sẽ gia tăng, và khi đó có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để sửa chữa.”
Trên thực tế, dự thảo sửa đổi hiến pháp vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua không chỉ dừng ở việc gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, mà còn nhiều điểm quan trọng khác.
Đầu tiên, nó sẽ đưa tên tuổi của Tập Cận Bình sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong hiến pháp nước này. Thứ hai, nó sẽ luật hóa một chính sách đối ngoại cứng rắn và mạnh mẽ hơn trong tương lai gần. Và thứ ba, nó sẽ cho phép gia tăng quyền lực cho các tổ chức kiểm tra của đảng và cảnh sát của Nhà nước để tiếp tục các chiến dịch chống tham nhũng mới với quy mô lớn. Tất cả những điều này gần như chắc chắn rằng ông Tập sẽ mạnh tay hơn nhiều trong thời gian sắp tới, không chỉ với quốc tế mà còn trong chính nội bộ Trung Quốc.
Việc Quốc hội Trung Quốc thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này đã được dự đoán từ trước, khi các lần đề xuất sửa đổi hiến pháp trước đây từ phía đảng Cộng sản Trung Quốc đều được Quốc hội nước này chấp thuận. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tán thành áp đảo lần này đã khiến không ít người bất ngờ. Trong số 2.964 đại biểu bỏ phiếu hôm 11.3, chỉ có 5 phiếu không chấp thuận (trong đó chỉ có 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng) và 1 phiếu không hợp lệ.
Con số ủng hộ vì thế đạt tới 99,8%, cao hơn hẳn so với lần bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp lần trước vào năm 1999 với việc đưa vào tên tuổi của Đặng Tiểu Bình – chỉ có 98% ủng hộ vào thời điểm đó. Nói cách khác, vị thế và tầm ảnh hưởng của Tập Cận Bình ở thời điểm hiện tại dường như còn trội hơn của Đặng Tiểu Bình trong quá khứ.
Trước đó cũng có những lời kêu gọi không sửa đổi hiến pháp Trung Quốc. Trong một lá thư mở gửi đến Quốc hội Trung Quốc cuối tháng 2, ông Li Datong, cựu Tổng biên tập của China Youth Daily (Nhật báo Thanh niên Trung Quốc) kêu gọi các đại biểu quốc hội phủ quyết đề xuất bỏ nhiệm kỳ mà ông Li gọi là “gieo mầm hỗn loạn cho Trung Quốc”. Ông Li nói rằng, giới hạn 2 nhiệm kỳ, áp dụng từ năm 1982, phản ánh “những đau khổ to lớn của Cách mạng Văn hóa” và là “một trong những di sản chính trị quan trọng nhất của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình”, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.
Nhưng những lời kêu gọi yếu ớtnhư của ông Li không được hồi đáp. Và giờ thì chỉ có thể ngồi xem Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào sau khi sửa đổi Hiến pháp.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)